-->

Tôi Đã Học Tiếng Anh Như Thế Nào

"Đây là kinh nghiệm học tiếng Anh của bạn mình, ban đầu trình độ tiếng Anh cũng khá đuối, vì là sinh viên ở quê lên Hà Nội nên điều kiện học hồi phổ thông cũng không được tốt như trên thủ đô. Hiện tại bạn mình đang làm việc cho 1 công ty về công nghệ của nước ngoài, phải trao đổi và hỗ trợ người dùng trên toàn cầu nên sử dụng tiếng Anh cả ngày."

Đầu tiên, trước khi chia sẻ về kinh nghiệm học tiếng Anh của mình, mình muốn điểm qua về tình hình và khả năng của mình ở thời điểm bắt đầu thực sự học tiếng Anh.

Hồi học THPT, mình được nhận định là “một cây Anh” ở một lớp khối A (Toán, Lý và Hóa). Nhưng xuất phát điểm ở một tỉnh lẻ, tới các cô giáo tiếng Anh còn phát âm sai be bét, lên tới đại học, mình nhận ra trình độ tiếng Anh của mình thực sự:
  • Ngữ pháp: siêu căn bản, được học về các thì nhưng chẳng biết dùng.
  • Nghe nói: phát âm sai loạn xạ, không đúng một từ nào; và lẽ dĩ nhiên, nghe “ta” nói thì hiểu lơ mơ (nếu “ta” cũng phát âm sai), nghe “tây” nói thì nhận định không phải là tiếng Anh, nói thì không hơn cụm “Hello. How are you? I’m fine. Thank you”, mà nói xong “tây” cũng không hiểu nốt.
  • Đọc viết: văn bản mà có 10 câu thì chắc chắn 90% số từ không biết, viết thì càng không biết gì.
 Tới đây tôi phát hiện ra, tiếng Anh của mình gần như là con số 0.


Quan niệm học và một số phát hiện
Sau một thời gian đi học ở nhiều nơi, hỏi han bạn bè học giỏi và đọc các kinh nghiệm, tài liệu trên mạng, mình nhận ra là để học được tiếng Anh cần có: thời gian + phương pháp. Không có một tý gì về cái gọi là thông minh, hợp hay không hợp ở đây cả. Giai đoạn đầu học sẽ rất nản vì cái gì cũng nhiều, cái gì cũng mới… nhưng vượt qua được giai đoạn đầu này thì sẽ tiến lên rất nhanh.
Qua quá trình ngu ngơ tới có thể hiểu và nói chuyện được với các bạn Tây, mình nhận ra vài điều như thế này:
  • Học ở trung tâm là tốt nhưng KHÔNG phải là tất cả. Mình có rất nhiều bạn bè học giỏi, họ cũng đi học ở nhiều trung tâm tiếng Anh, tốt có, dở có, nhưng kết luận chung: 80% sự thành công là ở bản thân họ, là khả năng tự học và tìm hiểu ở ngoài trung tâm.
  • “Cứ nghe tiếng Anh (BBC, CNN, tivi, phim…) như trẻ con, sau vài tháng có thể nghe nói bình thường” là một nhận định cực kỳ sai lầm. Thực ra nó đúng, nếu bạn còn là trẻ con, chưa có tư duy ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ đầy đủ. Còn mình đảm bảo, khi bạn đã trưởng thành mà chưa biết tý gì tiếng Anh, không có một chút từ vựng hay khả năng nghe nói đơn giản thì phương pháp này hoàn toàn vô tác dụng.
  • Tất cả các điều kiện như nhau thì bạn nên nhớ: thời gian dành cho việc học khác nhau. Các bạn học giỏi tiếng Anh dành rất nhiều thời gian cho việc tiếp xúc với tiếng Anh, không hẳn chỉ gói gọn trong việc “ngồi vào bàn và học”, ví dụ như: nghe ca nhạc, xem phim, xem các kênh TV, đọc tin tức…
  • Để tránh nhàm chán và mệt mỏi khi liên tục học và va chạm với tiếng Anh, bạn nên học hỏi từ người khác, đọc các tài liệu trên mạng và từ đó đa dạng các phương pháp học cho từng kỹ năng. Nhớ một điều, người khác có thể học tốt theo một phương pháp nào đó, nhưng chưa chắc đã tốt cho bạn, nên hãy luôn luôn thử nghiệm và tìm cho mình những phương pháp phù hợp.

Học như thế nào

PHÁT ÂM VÀ TỪ VỰNG

  • Sử dụng từ điển Anh – Anh: Cambridge Advanced Learner’s Dictionary, Oxford Advanced Learner’s Dictionary, Longman Dictionary of Contemporary English. Chọn 1 trong 3 từ điển này để cài vào máy tính, không cần chọn tất cả. Trên điện thoại cũng tìm và cài từ điển loại này, hoặc nếu không sử dụng smartphone thì mua quyển Oxford Learner’s Pocket Dictionary rất nhỏ gọn và đầy đủ.
  • Từ điển Anh Việt thì nên dùng từ điển trong đĩa học tiếng Anh English Study, không nên dùng từ điển Lạc Việt vì phát âm khó nghe và phiên âm sai.
  • Tra từ: khi tra từ thì nên sử dụng từ điển Anh – Anh đầu tiên, cố gắng đọc để hiểu nghĩa của từ bằng giải thích tiếng Anh. Khi không thể hiểu thì lúc đó mới sử dụng từ điển Anh – Việt. Khi tra từ, phát âm theo 1 trong 3 từ điển Anh – Anh ở trên, hạn chế dùng từ điển Anh – Việt. Trong cả 3 từ điển ở trên đều có lựa chọn cách phát âm theo giọng Anh Anh hoặc giọng Anh Mỹ: tùy vào nhu cầu của mình nên lựa chọn giọng cho phù hợp ngay từ đầu và thống nhất.
  • Tra từ bằng Google Images: khi gặp từ mới, không nhất thiết phải tra từ điển, có thể sử dụng Google Images (nên đổi sang dùng Google US , tên miền .com thôi nhé) để tìm hình ảnh, từ đó định hình nghĩa trong đầu mình, và để chắc chắn thì mới tra từ điển lại. Việc có ấn tượng bằng đầu bằng hình ảnh sẽ giúp bạn nhớ từ lâu và nhanh hơn.
  • Phát âm: đa số các bạn KHÔNG ở các thành phố lớn đều phát âm sai, vì vậy tất cả các từ dù đã rất quen thuộc (ví dụ friend, family, dictionary…) cũng cần tra từ điển Anh – Anh và phát âm theo đó: chú ý trọng âm và các âm ở cuối như /s/, /t/, /d/…
  • Phát âm: Về cơ bản, không có một âm nào trong tiếng Anh giống 100% trong tiếng Việt, chỉ là hơi giống giống; nếu quan sát cách phát âm (đặt lưỡi, giữ hơi…) thì khác nhau hoàn toàn. Vì thế, kỹ năng này nên được ưu tiên học đầu tiên, nó sẽ quyết định cho kỹ năng Nói và Nghe có tốt hay không. Ngoài ra, việc học lại phát âm sẽ cực vất vả nếu đã có vốn từ vựng hoặc học tiếng Anh kha khá. Bạn có thể tự học ở trên BBC Learn English, tuy nhiên tốt nhất là học ở một lớp dạy phát âm có uy tín vì sẽ có người giúp bạn sửa sai tốt hơn.
  • Ngoài đọc và đọc thật nhiều, sử dụng flash card cũng rất hiệu quả để nâng cao từ vựng. Có rất nhiều thảo luận trên mạng về phương pháp này, tuy nhiên bạn cần lưu ý: sử dụng flash card, kết hợp với đọc nhiều mới tạo được hiệu quả tối đa, nếu không chỉ là học vẹt. Và một flash card “đúng chuẩn”, theo mình cần có: một mặt là từ cần học in lớn và phát âm của từ đó, mặt còn lại là các từ đồng nghĩa, giải thích ngắn ngọn và một câu mẫu sử dụng từ đó (cái cuối cùng là tùy chọn, vì có thể không đủ diện tích).
  • KHÔNG học theo kiểu viết danh sách từ vựng cả vài trang giấy ra và học thuộc lòng. Học bằng cách đọc thật nhiều, và tra từ điển cho những từ chưa biết.
  • Các phần mềm, website, điện thoại… nếu có tiếng Anh thì chuyển hết sang sử dụng tiếng Anh. Điển hình là gồm có: phần mềm điện thoại, ngôn ngữ mặc định của điện thoại, website Gmail, website Facebook, phần mềm Word, Excel…

NGỮ PHÁP

  • Ngữ pháp căn bản là điều bắt buộc cần biết để học và sử dụng tiếng Anh. Căn bản ở đây là những kiến thức kiểu như: các thì sử dụng như thế nào (các thì phổ biến bao gồm hiện tại đơn, tương lai đơn, quá khứ đơn, hiện tại tiếp diễn và hiện tại hoàn thành), số ít số nhiều, 4W + 1H (what, when, where, who và how)…
  • Về sách, mình thấy tốt nhất là cuốn “Grammar in Use”. Nếu có thể, mình khuyến khích các bạn đọc sách bằng tiếng Anh (từ ngữ rất đơn giản, dễ hiểu và đồng thời nâng cao vốn từ vựng). Trong trường hợp bạn không đọc được sách tiếng Anh thì đọc sách tiếng Việt, khi khá khá về từ vựng hơn thì nên đọc lại sách tiếng Anh.
    Trước tiên là bạn đọc hết cuốn sách này, đọc những phần được coi là “cơ bản” nhất trước, và đọc những phần “khó” sau. Chú ý là cần phải đọc HẾT, nhưng không nhất thiết là phải nhớ ngay 100% vì đó là điều không thể. Việc đọc hết này giúp bạn hình thành trong đầu quyển sách gồm những gì và những vấn đề cần lưu ý trong tiếng Anh. Sau đó, khi luyện đọc, tìm thấy cấu trúc ngữ pháp nào không nhớ thì tra lại ở quyển này.
  • Khi đạt tới trình độ có thể đọc và hiểu quyển “Grammar in Use” bằng tiếng Anh, thì bạn nên dành thời gian để trau dồi và tiếp tục nâng cao ngữ pháp. Tại sao ngữ pháp vẫn là điều quan trọng? Vì nếu ngữ pháp không tốt thì việc đọc (tài liệu, bài báo, đề thi… khó) và viết sẽ cực kỳ khó khăn, đặc biệt là trong các kỳ thì kiểu như TOEIC, TOEFL, IELTS. Cách hữu hiệu nhất là học tiếng Anh ôn thi đại học, nguyên do là đề thi đại học ở Việt Nam được mệnh danh là có cả những thứ dân bản địa không biết. Học cô Chi Mai là lựa chọn tốt nhất cho học ngữ pháp ôn thi đại học. Nhưng nhớ, mục tiêu ở đây không phải là để giỏi hơn hay biết nhiều ngữ pháp hơn chính các bạn Tây, mục tiêu rõ ràng là mài dũa ngữ pháp của bạn.
ĐỌC
  • Mục tiêu của kỹ năng đọc là để nắm thông tin và tăng vốn từ vựng, KHÔNG để dịch. Do đó, bạn nên cố gắng đọc để hiểu ngay trong tiếng Anh, KHÔNG dịch các bài báo sang tiếng Việt. Việc dịch rất mất thời gian và không hiệu quả. Khi chưa quen thì sẽ khá khó, nhưng rèn dần và tưởng tượng câu văn trong tiếng Anh thì một thời gian sau sẽ cải thiện tốc độ đọc và giúp bạn hứng thú với kỹ năng này.
  • Đọc tin tức ở các trang CNN, BBC, VOA và các báo tiếng Anh của Việt Nam như TuoiTreNews, DTiNews (của Dân Trí), VietNamNet Bridge… Lúc đầu, khi vốn từ vựng còn ít, chỉ đọc tiêu đề và phần tóm tắt (thường chữ đen đậm hoặc ở bên cạnh bài viết như ở CNN). Khi khá hơn, chọn những bài ngắn và cố gắng đọc hết, sau đó là đọc cả bài cho cả những bài dài.
  • Khi kỹ năng tốt lên hẳn, tức là đọc và hiểu được khoảng 70% nội dung các bài ở CNN hay BBC (không sử dụng từ điển), bạn nên chuyển sang dạng bài khó hơn là bình luận, nghị luận… Đây là những bài ở mục Opinion, Op-ed, Columnists. Lúc này, báo được khuyên đọc là The New York Times, tờ báo nổi tiếng về lối viết học thuật, nhiều từ lạ, khó đọc kinh khủng.
  • Đăng ký các bản tin hàng tuần của thầy Nghiêm, bằng cách gửi email tiêu đề “Subscibe” tới esllearning@yahoo.com . Các bản tin này không chỉ giúp rèn luyện tiếng Anh mà còn giúp cung cấp thêm thông tin về Việt Nam, các từ ngữ đặc thù của Việt Nam mà nước ngoài sử dụng: kiểu như “Bộ Chính trị” thì họ không dùng “Ministry of Politics”, mà dùng “Politburo”. Lý do thì search và tìm hiểu trên Wikipedia nhé.
  • Như mình học, mình tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để đọc các báo tiếng Anh, và chia làm 2 kiểu đọc: đọc lướt và đọc kỹ. Đọc lướt là đọc để lấy thông tin, ít sử dụng từ điển; dạng đọc này thường áp dụng khi kỹ năng đọc đã kha khá và ở nơi khó tra từ điển. Đọc kỹ là cách đọc mà từ nào, cụm từ nào hay ngữ pháp nào không hiểu thì tra hết và soát lại để hiểu.
  • Khi đọc trên máy tính, bạn nên sử dụng chức năng Genie trên từ điển Oxford (cả Longman và Cambridge đều có nhưng tên khác). Với chức năng này, chỉ cần chỉ chuột vào từ không biết nghĩa và nhấn Ctrl (đây là cho Window, với máy Mac có thể hơi khác nhé), từ điển sẽ tự động tìm kiếm từ đó, tiết kiệm thời gian gõ lại.
  • Khi tra từ hay cụm từ chưa rõ, bạn chỉ tập trung vào nghĩa của nó ở hoàn cảnh của câu văn hay bài viết, không lan man sang những nghĩa khác.
NGHE
  • Khi mình bắt đầu học nghe, mình nghe VOA rồi viết lại. Lúc đầu, chọn những bài ngắn khoảng 4 – 5 phút trên VOA, bật lại từng câu để nghe đi nghe lại và cố gắng chép ra giấy. Thời gian đầu, công việc này nhàm chán và gần như mình không nghe được gì, một câu có 10 từ mà nghe được 2 – 3 từ, nhưng chịu khó thì sẽ khá lên rất nhanh.
  • Ngoài ra, nghe theo English Study cũng rất tốt. Mình đã nghe hết ở trong đĩa này, từ cực dễ, tới trung bình và cuối cùng là khó. Điểm hay của phần mềm trong đĩa này là có công cụ để nghe lại từng câu và cho phép người nghe gõ lại để chấm theo % nghe đúng.
  • Tải các video chương trình, phim tài liệu, phim dài tập hay phim điện ảnh… theo chủ đề bạn thích và nghe. Lúc đầu nên nghe phụ đề tiếng Anh, bạn có thể không hiểu được hết nhưng khi họ phát âm bạn theo dõi theo phụ đề cũng sẽ nắm được cách người ta nói, biết thêm được những cụm từ trong giao tiếp. Bây giờ có Youtube cũng là một nguồn có nhiều video, nhiều chương trình hay để theo dõi.
  • Nghe các tin tức trên BBC, CNN… Các trang tin tức này có rất nhiều bản tin có kèm hình ảnh và âm thanh. Bạn có thể đọc các bài báo rồi nghe lại, hoặc ngược lại, nghe trước rồi đọc sau. Nghe những bản tin này tương tự như xem trên truyền hình cáp của các hãng này, nhưng sẽ không có các bài báo đi kèm.
NÓI
  • Tham gia các CLB tiếng Anh hay các nhóm dẫn tour cho khách nước ngoài. Ví dụ ở Hà Nội, bạn có thể tham gia câu lạc bộ SEAMAP, Trung tâm Văn hóa Hoa Kỳ (thuộc Đại sứ quán Mỹ), EEC NEU (CLB tiếng Anh của trường ĐH Kinh tế Quốc dân) và một số CLB khác của các trung tâm tiếng Anh. Nhóm dẫn tour thì có nhóm Hanoikids rất nổi tiếng, mình có vài người bạn đã từng tham gia CLB này và khả năng nói tăng rất nhanh.
  • Tự nói một mình trong gương, lẩm nhẩm bất kể thứ gì bạn đang suy nghĩ, tất nhiên là bằng tiếng Anh. Nghe có vẻ gàn dở, nhưng đây là kinh nghiệm của một người bạn của mình và của chính mình nữa. Không thử sao biết?
  • Nếu có thể, bạn có thể lên khu hồ Hoàn Kiếm để tham gia nói chuyện với khách Tây, nhiều khi họ rất thích nếu được nói chuyện với người bản địa.
  • Ngoài ra có thể bạn cũng có thể đi học ở trung tâm có môi trường tiếng Anh tốt. Tuy nhiên mình vẫn recommend là Headstart, một nơi mà mọi người đều bắt buộc phải nói tiếng Anh, ngay cả anh giữ xe hay các chị assistant.
  • Tham gia các chương trình, tổ chức tình nguyện có người nước ngoài. Người nước ngoài sang Việt Nam mình tình nguyện khá nhiều, nếu chịu khó theo dõi thì sẽ có cơ hội cho bạn tham gia, tất nhiên là khả năng nói của bạn phải tương đối một chút. Mình cũng có may mắn là được tham gia tổ chức Project Abroads và đi phiên dịch cho mấy bạn tình nguyện nước ngoài, và khẳng định là phương pháp này cực kỳ hiệu quả.
VIẾT
  • Đầu tiên, ngâm cứu kỹ cuốn sách Writing Acacdemic English. Đây là cuốn sách cực kỳ hay để năm chắc cách viết essay, các vấn đề về ngữ pháp cần lưu ý khi viết. Bạn sẽ thấy cuốn sách này kỹ hơn rất nhiều so với các cuốn sách khác dạy viết essay trong các kỳ thi dạng như TOEFL hay IELTS.
  • Tìm trên mạng sẽ có một list khoảng 200 topic và các bài viết mẫu để bạn luyện tập. Trước tiên, bạn hãy tự viết và đưa lên các diễn đàn trong và ngoài nước để nhờ người chữa như: http://www.tienganh.com.vn hay http://www.english-test.net/forum/. Lưu ý, sau khi có góp ý của người chữa, bạn phải tự rà soát lại, không phải cái gì cũng nghe và các phần chữa chủ yếu là ngữ pháp, sẽ rất ít người chữa lỗi về ideas và diễn đạt cho bạn.
  • Tham gia học ở các lớp có thầy cô dạy viết giỏi để chữa lỗi và chữa ideas. Nếu các bạn học Toefl, mình nghĩ các bạn nên tham gia lớp học Toefl của thầy Nghiêm để có thể gửi bài và nhận lài bài chữa (không chỉ chữa lỗi ngữ pháp, thầy còn chữa lỗi ideas, cách diễn đạt…); ngoài ra học thầy Nghiêm để có thêm những kiến thức nền tảng (background) rất là tốt.
  • Tự mình tìm các chủ đề, chính là các chủ đề trên mạng mà báo chí, thời sự… hay đưa tin trong thời gian gần đây. Sau khi tìm hiểu thì bạn tóm tắt lại, hoặc viết theo ý hiểu của mình. Ở đây bạn cần là “sự viết”, không cần phải “lý luận chính xác 100%”. Ở đây, mình recommend các bạn theo dõi mục Room for Debate của báo New York Times: mỗi ngày ở mục này sẽ có một topic gây tranh luận được đưa ra, những người tham gia sẽ đưa ra ý kiến của mình rằng phản biện hay đồng ý.
LỜI MUỐN NÓI
Khi mình viết ra đây những dòng này, thì sau quá trình học tập ở đại học và khoảng 2 năm làm việc, mình thấy sự may mắn nhất của mình là dành cực kỳ nhiều thời gian để học tiếng Anh trong quãng thời gian sinh viên.
Bạn hãy nhớ rằng, một khi đi làm, phải lo cho cơm áo gạo tiền, phải lo cho công việc, thậm chí là vợ/chồng con… bạn sẽ không có đủ kiên nhẫn và thời gian để đầu tư vào học tiếng Anh. Nên hãy tận dụng tối đa thời gian còn là sinh viên để học tiếng Anh.
Ngoài ra khi bạn nắm trong tay tiếng Anh, tức là bạn có cơ hội được tiếp cận chân trời kiến thức vô tận, những thông tin cập nhật nhất (cả trong học tập, công việc và thời sự) và sự giao lưu với nước ngoài (hay to tát hơn là tham gia vào quá trình toàn cầu hóa). Tất cả những điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ có quyền theo đuổi công việc mà mình yêu thích, bạn sẽ KHÔNG bao giờ PHẢI LÀM VIỆC, mà ĐƯỢC LÀM VIỆC.
Chúc các bạn thành công và sẽ ĐƯỢC LÀM VIỆC!

Nguồn: Dat Hoang's Blog


NHẬN XÉT ()