-->

Đọc và trả lời câu hỏi đoạn thơ Nói với con

 

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

“Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc,

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai bé nhỏ đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục”.

(“Nói với con” - Y Phương)

Câu 1: Theo em, “Người đồng mình” được nói đến trong đoạn thơ trên là ai?

Câu 2: Nêu hoàn cảnh đất nước ta thời điểm Y Phương sáng tác bài thơ “Nói với con”.

Câu 3: Hãy viết một đoạn văn theo cách lập luận quy nạp (khoảng 15 câu), trình bày suy nghĩ, cảm nhận của em về đoạn thơ được trích dẫn ở trên để thấy niềm tự hào của người cha trong lời nói với con về sức sống và vẻ đẹp phẩm chất của “người đồng mình”. Trong đoạn văn có sử dụng ít nhất một câu bị động và một thành phần biệt lập phụ chú.

Câu 4: Từ đoạn thơ trên, em nhận thấy thế hệ trẻ chúng ta cần có ý thức trách nhiệm như thế nào trong việc bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam trong thời kì hội nhập hiện nay? (Trình bày ý kiến của em bằng một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi)

Gợi ý

Câu 1: Giải nghĩa cụm từ “Người đồng mình”:

Nghĩa của cụm từ “Người đồng mình”: là người vùng mình, người miền mình, hay người cùng trên một miền đất, cùng quê hương, cùng dân tộc.

Câu 2: Hoàn cảnh cảnh đất nước ta thời điểm Y Phương sáng tác bài thơ “Nói với con”:

- Bài thơ sáng tác năm 1980.

- Sau ngày thống nhất, đất nước ta tiếp tục bị kẻ thù gây chiến: chiến tranh Biên giới Tây Nam; chiến tranh Biên giới phía Bắc; Mĩ tiến hành bao vây cấm vận nên tình hình nước ta gặp nhiều khó khăn về kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân vô cùng cơ cực gian nan...

Câu 3: Viết đoạn văn để thấy niềm tự hào của người cha trong lời nói với con về sức sống và vẻ đẹp phẩm chất của “người đồng mình”:

- Lời dặn dò của người cha với con về lẽ sống và đạo lí với quê hương.

- Những câu thơ tự do có cách diễn đạt chân thật, mạnh mẽ, trong sáng, tư duy giàu hình ảnh (ẩn dụ:..)

- Quê hương và cuộc sống bao gian nan thử thách nhưng con người vẫn sống với sức sống mạnh mẽ, bền bỉ.

- Thái độ sống: con phải chấp nhận, trân trọng và thủy chung với quê hương, sống lạc quan, hồn nhiên, cần cù lao động để tạo dựng cuộc sống ấm no...

- Kế thừa, phát huy và lưu giữ những giá trị văn hóa... bằng cả niềm tự tôn dân tộc và ý thức bảo vệ cội nguồn để giữ trọn vẹn mảnh đất, biên cương của Tổ quốc cho muôn đời sau...

Câu 4: Viết đoạn nghị luận thế hệ trẻ chúng ta cần có ý thức trách nhiệm như thế nào trong việc bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam trong thời kì hội nhập hiện nay:

a. Khẳng định vấn đề:

- Trong bài thơ “Nói với con” của Y Phương, mượn lời người cha, nhà thơ muốn gửi tới người đọc bài học về ý nghĩa lớn lao của những giá trị truyền thống dân tộc, qua đó muốn bày tỏ niềm tự hào về sức sống mạnh mẽ và bền bỉ của dân tộc mình.

- Điều đã tạo nên sức sống mạnh mẽ và bền bỉ ấy chính là bản sắc văn hóa dân tộc.

b. Giải thích khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc:

- Bản sắc văn hóa dân tộc là những đặc trưng riêng của một nền văn hóa mà những nền văn hóa khác không có.

- Đó là những giá trị văn hóa bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước.

c. Nét đặc trưng của bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam

Nền văn minh lúa nước, là lòng yêu nước, là ý chí tự cường, là tinh thần đoàn kết...có được trong lịch sử phát triển của dân tộc.

d. Ý nghĩa:

- Bản sắc văn hóa dân tộc là cái hồn, cái gốc giúp cho mỗi dân tộc đứng vững và phát triển qua những biến động của lịch sử.

- Bản sắc văn hóa dân tộc là cách thể hiện nét riêng không thể trộn lẫn với bất kì dân tộc nào khác.

e. Bàn bạc mở rộng:

- Trong bối cảnh hội nhập và phát triển ngày nay, việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là vô cùng cần thiết.

- Nếu không giữ vững được bản sắc thì sẽ đánh mất ý thức tự hào, tự tôn dân tộc.

f. Liên hệ:

Học sinh phải có trách nhiệm bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam để bản sắc văn hóa Việt sẽ luôn vững bền, tỏa sáng trong thời đại hội nhập và phát triển ngày nay.

NHẬN XÉT ()