-->

Quan niệm về đơn vị ngữ pháp cơ sở trong Ngôn ngữ học và Việt ngữ học








1. Đặt vấn đề
(ĐHVH) - Ngữ pháp của một ngôn ngữ là một hệ thống. Trong hệ thống đó có những đơn vị với những mối quan hệ chế định lẫn nhau.Theo quan niệm truyền thống, các đơn vị ngữ pháp bao gồm: hình vị, từ, cụm từ, và câu.  Chúng có quan hệ cấp độ với nhau: nhỏ nhất là hình vị, và theo cấp độ tăng dần là từ, cụm từ, câu. Theo đó, hình vị là đơn vị ngữ pháp cơ sở.
Tìm hiểu và xác định đúng bản chất, vai trò của hình vị là một trong những vấn đề quan trọng của ngôn ngữ học. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi xin được trình bày những quan niệm về đơn vị ngữ pháp cơ sở trong Ngôn ngữ học nói chung và Việt ngữ học nói riêng. Từ đó góp phần khẳng định đặc điểm riêng của tiếng Việt - ngôn ngữ thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập.

2. Nội dung
1.1. Quan niệm về đơn vị ngữ pháp cơ sở - hình vị trong ngôn ngữ học
1.1.1. Về vấn đề định nghĩa hình vị
Có nhiều nhà ngôn ngữ đã định nghĩa về hình vị - đơn vị ngữ pháp cơ sở của Ngữ pháp học. Trong cuốn “Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học” (Nguyễn Như Ý chủ biên) có nêu một số cách định nghĩa của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam như: Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Anh Quế,  Hữu Quỳnh, Phan Thiều, Trần Ngọc Thêm, Hồ Lê, Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Thiện Giáp, Võ Bình, Đái Xuân Ninh. Xin được dẫn ra một số cách định nghĩa :
“Hình vị là đơn vị nhỏ nhất mà có mang ý nghĩa, mang giá trị ngữ pháp”
(Nguyễn Tài Cẩn. Ngữ pháp tiếng Việt.
Nxb ĐHQGHN, H., 1994 , tr.67)
“Hình vị là đơn vị hai mặt, có đầy đủ tính chất tín hiệu. Đã là tín hiệu thì cái quan trọng, về mặt chức năng là phần nội dung biểu đạt, nó quyết định sự tồn tại của bản thân tín hiệu”
(Phan Thiều, Thảo luận chuyên đề Tiếng, hình vị
và từ trong tiếng Việt. “Ngôn ngữ” 2 , H., 1984, tr.54 )
“Hình vị là một đơn vị ngôn ngữ có nghĩa, nhỏ nhất và không độc lập về cú pháp”
(Trần Ngọc Thêm. Bàn về hình vị tiếng Việt dưới góc độ
ngôn ngữ học đại cương. “Ngôn ngữ” 1 , H., 1984, tr.54 )
“Hình vị là những đơn vị được tạo ra từ các âm vị, tự thân có nghĩa nhưng không được dung trực tiếp để giao tiếp, tức không trực tiếp được dùng để kết hợp với nhau tạo thành câu”
(Đỗ Hữu Châu. Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt.
Nxb GD , H., 1985, tr. 5 )
Ju. X. Xtêpanov trong “Những cơ sở của ngôn ngữ học đại cương”, từ phương diện cấu tạo, đưa ra định nghĩa: Hình vị là lớp các hình tố tương đồng mà mỗi hình tố lại gồm nhiều âm vị nhánh và được gặp trong một vị trí nhất định nào đó”.         
Tóm lại, dù định nghĩa hình vị ở góc độ và phương diện nào thì các nhà ngôn ngữ cũng dễ thống nhất với nhau ở những đặc điểm của hình vị :
- Hình vị là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa, là đơn vị gốc để tạo thành từ.
- Hình vị được cấu tạo bởi các âm vị.
- Hình vị là đơn vị không độc lập về cú pháp.
- Ý nghĩa tồn tại ở dạng tiềm năng (không được dung trực tiếp để giao tiếp, tức không trực tiếp được dùng để kết hợp với nhau tạo thành câu).
1.1.2. Về vấn đề phân loại hình vị
Trong thành phần cấu tạo của từ, các hình vị được phân biệt thành hai loại: căn tố và phụ tố.
Căn tố là hình vị có ý nghĩa từ vựng thuần khiết,chưa được định hình từ loại như từ. Nó là điểm xuất phát để hiểu được một từ. Nó có khả năng liên kết với các hình vị khác để cụ thể hóa ý nghĩa của nó.
Phụ tố là hình vị diễn đạt ý nghĩa ngữ pháp và liên kết các căn tố để biểu thị ý nghĩa phái sinh, ý nghĩa phạm trù hoặc một ý nghĩa quan hệ nào đó cho căn tố.
Theo vị trí chiếm giữ trong từ, các phụ tố được phân biệt thành tiền tố, hậu tố và trung tố.
Tiền tố ở trước vị trí căn tố. Ví dụ ở tiếng Anh có tiền tố -un- (unhappy- bất hạnh ,
unemployment - thất nghiệp …) , -im- (impolite - mất lịch sự , imformal - thân mật . . .) , -dis- (dislike - không thích, disagree - bất đồng ), -in- (indirect - gián tiếp, indefeasible – không thể hủy bỏ)...
Hậu tố ở vị trí sau căn tố ví dụ các hậu tố trong tiếng Anh : -er- ( teacher -giáo viên , painter - họa  sĩ …  ) ; -less- (homeless - vô gia cư, careless - thiếu cẩn thận, endless - vĩnh cửu …); -ion-(action - (sự)hoạt động ,  selection - sự lựa chọn, attraction - sự tấn công ). .
Trung tố là các phụ tố nằm giữa các căn tố. Ví dụ trong tiếng Ê đê và Jarai có trung tố - -  : bơsao (sự cãi nhau- : biểu thị ý nghĩa sự vật / bơsao - cãi nhau,  có ý nghĩa hành động); trong tiếng Nga có trung tố -o- ví dụ trong từ : Πаpoвоз - đầu máy xe lửa (Πаp – hơi nước, воз – kéo , -o- là hình vị có tác dụng nối hình vị Πаp với hình vị воз) …
Theo chức năng của các hình vị có thể phân biệt các hình vị thực hiện chức năng cấu tạo từ với các hình vị thực hiện chức năng cấu tạo hình thái từ (biến đổi từ).
Các hình vị cấu tạo từ bao gồm căn tố và các phụ tố liên kết với căn tố để cụ thể hóa ý nghĩa cho các căn tố và tạo nên những từ mới. Các căn tố và phụ tố cấu tạo từ tạo nên phần thân từ. Thân từ là phần chung lớn nhất của các hình thái ngữ pháp của cùng một từ. Ví dụ trong tiếng Anh : 
Căn tố
Phụ tố
Từ được cấu tạo
Tiền tố
Hậu tố
mature – tính từ
(chín chắn)
im

immature  - tính từ
(thiếu chín chắn)
tidy – tính từ
(gọn gàng)
un

untidytính từ
(bừa bộn)
care - động từ
(quan tâm )

Full
carefull  - tính từ
 (cẩn thận )
modern – tính từ
(hiện đại)

Ize
Modernize - động từ
(hiện đại hóa)
happy – tính từ
(hạnh phúc)

Ness
Happyness – danh từ
( niềm hạnh phúc )

Hình vị biến đổi từ là hình vị không làm biến đổi ý nghĩa từ vựng của thân từ và được sử dụng chỉ để cấu tạo nên các hình thái mới của cùng một từ chứ không được dùng để cấu tạo nên các từ mới. Các hình vị cấu tạo hình thái có tác dụng để biến đổi hình thái của từ nên còn được gọi là các biến tố. Ví dụ : (tiếng Anh)
Hình thái ban đầu
(dạng nguyên thể )
Hình thái biến đổi
to work (làm)

worked (- ed- biểu thị ý nghĩa ngữ pháp : thời quá khứ)
I worked for Honda company in 1990.
to do (làm)
to watch (xem)
doing , watching (- ing- biểu thị ý nghĩa ngữ pháp (thời) : tiếp diễn.)
A : - What are you doing now ? (Giờ anh đang làm gì ?)
B : - I am watching TV. (Anh đang xem ti vi. )
to like (thích)
likes (-s- biểu thị ý nghĩa ngữ pháp : động từ chia ở thời hiện tại, ngôi thứ 3, số ít)
She likes to drink coffee.
(Cô ấy thích uống cà phê )
book
books (hình vị -s- biểu thị danh từ số nhiều )
I bought three books yesterday.
(Hôm qua, tôi mua ba quyển sách.)
Điều cần lưu ý là trong vấn đề xác định đơn vị của ngôn ngữ nói chung và đơn vị của ngữ pháp nói riêng người ta còn đề cập đến hiện tượng trùng cấp. Nghĩa là trong ngôn ngữ có những yếu tố vừa là âm vị vừa là hình vị vừa là từ.





 âm vị < hình vị < từ < câu*



(* Dấu (=) biểu thị hiện tượng trùng cấp )
Ví dụ trong tiếng Nga : -u- trước hết là một âm vị nhưng trong : pyҝu  -u-  là một hình vị và -u- có thể là một từ với nghĩa là “và”. Tương tự như vậy, trong tiếng Anh âm -i- được dùng để cấu tạo nên hình vị căn tố -I- . Và hình vị căn tố này được dùng để cấu tạo đại từ chỉ ngôi thứ nhất I /ai/ - tôi.
Như vậy, theo những quan niệm như trên thì hình vị trong ngôn ngữ học, xét về mặt cấu, hình vị có thể có ba khả năng :
- Có hình thức âm thanh là một âm tiết như trong tiếng Anh: new (mới) , eat (ăn), no (không), tiếng Nga: вес (trọng lượng)…
- Gồm nhiều âm tiết: Ví dụ trong tiếng Anh: legal /’li:gәl/ - hợp pháp, tonic /’tǝnik/ - rượu ngâm thuốc bổ …
- Nhỏ hơn âm tiết (nghĩa là hình vị có thể được cấu tạo là một âm vị)như hai ví dụ về -u- (trong tiếng Nga), -i- trong tiếng Anh nêu ở trên. Thêm một số ví dụ như trong tiếng Anh : tables ( những cái bàn , hình vị -s- biểu thị danh từ số nhiều; plays (chơi, hình vị -s- biểu thị nghĩa : động từ chia ở ngôi thứ ba số ít, thời hiện tại ), trong tiếng Nga:  cәeлaть (-c- biểu thị ý nghĩa “hoàn thành thể” ) …
1.2. Quan niệm về hình vị trong Việt ngữ học
Từ lí thuyết chung về đơn vị cơ sở của ngôn ngữ trong ngôn ngữ học soi chiếu vào tiếng Việt nảy sinh hai quan niệm không thống nhất về đơn vị ngữ pháp cơ sở của ngữ pháp tiếng Việt.
Quan niệm thứ nhất vận dụng khái niệm hình vị trong ngôn ngữ học đại cương vào tiếng Việt. Theo quan niệm này, hình vị trong tiếng Việt cũng có các dạng thức như hình vị trong các ngôn ngữ châu Âu. Như trên đã trình bày : trong các ngôn ngữ châu Âu biến đổi từ, hình vị có thể có ba khả năng : có hình thức âm thanh là một âm tiết ; gồm nhiều âm tiết ; nhỏ hơn âm tiết. Theo quan niệm này, hình vị tiếng Việt cũng có ba khả năng:
Khả năng thứ nhất : hình vị tiếng Việt có thể có hình thức âm thanh là một âm tiết. Ví dụ như : chạy, bay, quần, nhà ….
Khả năng thứ hai : hình vị tiếng Việt có thể bao gồm nhiều âm tiết. Ví dụ như : bồ hóng, cà phê, xà phòng, đủng đỉnh
Khả năng thứ ba : hình vị tiếng Việt có thể nhỏ hơn âm tiết. Chứng minh cho điều này, người ta đưa ra một số căn cứ trong tiếng Việt  :
Căn cứ thứ nhất : Tác giả L.C. Thompson trong “ The Problem of the Word in the Vietnamese ” (Vấn đề của từ trong tiếng Việt) đã chứng minh : mỗi bộ phận của âm tiết, thanh điệu, âm đầu, phần vần đều có thể là những hình vị thực sự bằng cách đối chiếu một số từ nghi vấn và chỉ định trong tiếng Việt và rút ra những điểm tương đồng về mặt ngữ âm và về mặt ý nghĩa : 
thanh “huyền” , “không dấu” chỉ ý “gần” hoặc “giới thiệu”
thanh “sắc” chỉ ý “xa’ hoặc “đã xác định trước”

/đ/ - nơi chốn, vị trí tương đối
đâu
đây
đấy
đó
/n/ - vật cá biệt
nao
nay/này
nây/nấy
nọ
/b/- lượng, mức
bao
bây
bấy

/s, v/ - cách thức
sao
vầy
vậy


                           vần “ao”, “ âu”        vần “ây” , “ay”
                           chỉ ý “bất định”     chỉ ý “xác định”                                                                      
                                                          
Căn cứ thứ hai : căn cứ vào các từ láy trong tiếng Việt. Trong một số từ láy, có những khuôn vần được lặp đi lặp lại và gắn với việc biểu hiện cùng một ý nghĩa.Ví dụ :
mập mờ
bấp bênh
bập bênh
khấp khểnh
khập khiễng
cập kênh

thập thò
lấp lánh
lập lờ
vấp váp
lập bập
thấp thỏm
Vần “ấp” gắn với một ý nghĩa : trạng thái động 
Căn cứ thứ ba : Có tác giả còn dẫn ra hiện tượng nói gộp của một số phương ngữ, gộp hai âm tiết thành một, để đặt ra vấn đề về ranh giới rạch ròi của âm tiết tiết Việt là ở đâu ?
ông ấy
bà ấy
anh ấy
trên ấy
ổng
bả
ảnh
trển
Ba khả năng về hình vị tiếng Việt theo quan điểm này đưa ra, khả năng thứ nhất (hình vị tiếng Việt có thể có hình thức âm thanh là một âm tiết ) dễ dàng được chấp nhận, không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, hai khả năng thứ hai và thứ ba thì cần được xem xét thận trọng hơn.
Với khả năng thứ hai (hình vị tiếng Việt có thể bao gồm nhiều âm tiết), có thể các tác giả theo quan điểm này đã căn cứ vào những tiêu chí xác định hình vị như : là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa ; có giá trị về mặt ngữ pháp. Và như vậy, khi chúng ta soi chiếu vào các từ bồ hóng, xi măng, xà phòng, đủng đỉnh… chúng ta dễ thấy các âm tiết bồ, hóng, cà, phê, xà, phòng … tự thân chúng đều vô nghĩa. Và ngay khi đặt chúng vào trong cả đơn vị thì chúng cũng không có giá trị gì. Tuy nhiên, theo GS. Nguyễn Tài Cẩn thì không thể vì thế mà có thể cho rằng những sự kết hợp : bồ + hóng, cà + phê … chỉ là những sự kết hợp đơn thuần về mặt ngữ âm giống như kiểu “ch + a = cha” được. Ông đưa ra sự phân tích :
“Nếu chúng ta so sánh :
cà phê
          cà cà phê phê gì !
có cà phê cà phiếc gì không ?


đủng đỉnh
         đủng với đỉnh mãi !
sao cứ đủng đa đủng đỉnh thế ?
thì chúng ta sẽ thấy là không thể nào cho rằng, ở đây, tiếng đầu và tiếng sau gắn chặt với nhau thành một khối, làm thành một đơn vị tối giản -một đơn vị gốc duy nhất như ở trường hợp ch+a được. Muốn trình bày và giải thích được qui tắc sử dụng các từ cà phê, đủng đỉnh ở trong câu nói phải công nhận rằng ở giữa phê, đủngđỉnhcó một đường ranh giới đi ngang qua, tách hai tiếng thành hai đơn vị ngữ pháp riêng biệt”. Từ đây GS. Nguyễn Tài Cẩn đi đến nhận định : trong tiếng Việt có loại “Tiếng có khả năng giải thích mặt tổ chức đơn thuần hình thái” (Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb ĐHQGHN, H., 2004 (bản in lần thứ 7), tr. 14,15). Trong ngôn ngữ học, loại đơn vị có khả năng giải thích mặt tổ chức đơn thuần hình thái như thế, thường được gọi là hình vị hình thức. Và chúng tôi cho những kiến giải của GS. Nguyễn Tài Cẩn là hợp lí.
Cũng nói về những hiện tượng mà những người theo quan điểm thứ nhất này đã nêu là khả năng thứ ba của hình vị tiếng Việt - hình vị tiếng Việt có thể nhỏ hơn âm tiết, trong cuốn “Ngữ pháp tiếng Việt”, GS. Nguyễn Tài Cẩn còn nêu thêm hiện tượng “iếc” hóa trong tiếng Việt (em iếc, gia đình gia điệc, tổng thống tổng thiếc …). Ông cho rằng: những hiện tượng này có thể làm cho người ta đi đến kết luận là : những bộ phận như “iếc” (hay những căn cứ ở đã nêu ở trên) cũng là một đơn vị gốc của ngữ pháp, dùng để biểu thị một ý nghĩa ngữ pháp, diễn đạt một phạm trù ngữ pháp. (và do đó, đường ranh giới ngữ pháp sẽ không vạch ngang qua giữa hai tiếng mà vạch ngang qua lòng của tiếng ở chỗ ranh giới giữa phụ âm đầu và vần(đ/iệc, tổng th/ống tổng th/iếc  )). Tuy nhiên, cũng theo GS. Nguyễn Tài Cẩn, quan niệm như vậy sẽ đưa đến những hậu quả có chỗ không ổn:
Thứ nhất : sẽ mâu thuẫn với kết quả khi lặp từ : chúng ta lặp thành “tổng tổng thống thống gì” ! chứ không lặp thành “tổng th  ống tổng th  ống  ống gì”
Thứ hai : sẽ mâu thuẫn với cả kết quả khi tách đôi từ : chúng ta nói “tổng với thống gì!” chứ không tách thành “tổng th  với ống gì!” …
Thêm nữa những hiện tượng mà như ba căn cứ nêu ở trên thực ra trong tiếng Việt không có nhiều, nó không phải là xu hướng chủ đạo. Do vậy, chúng ta thấy khó có thể chấp nhận khả năng thứ ba ( hình vị tiếng Việt có thể nhỏ hơn âm tiết) mà những người theo quan điểm thứ nhất này đưa ra.        
Quan niệm thứ hai : Những người theo quan niệm thứ hai này cho rằng : mặc dù có những trường hợp nhiều âm tiết mới tạo nên một đơn vị có nghĩa và mặc dù có hiện tượng một bộ phận của âm tiết gắn với một ý nghĩa nào đó nhưng xu hướng chủ đạo trong tiếng Việt và các ngôn ngữ đơn lập là : hình thức biểu hiện của hình vị là âm tiết (tiếng) (syllable)
Đây là quan niệm thấy trong trường phái ngôn ngữ học Nga khi nghiên cứu tiếng Trung Quốc và tiếng Việt (các ngôn ngữ Phương Đông trong ngành Đông Phương học)với các tên tuổi như: E. D. Polivanov , Ju. V. Rozhdestvenskij , V.B. Kasevich , L.G.  Zubkova... Nhìn chung, họ quan niệm trong các ngôn ngữ đơn lập có đơn vị là hình tiết. Tức là một loại đơn vị vừa là âm tiết vừa là hình vị (về mặt ngữ âm, nó là âm tiết, về mặt ngữ pháp nó là hình vị). Người ta nói đến khả năng thứ ba: nó cũng có thể là một từ đơn. Hiện tượng như vậy, có người gọi là “nhất thể tam ngôi” (một thực thể vật chất đóng ba vai trò). Đây được coi là đặc trưng loại hình của các ngôn ngữ đơn lập. Quan điểm này cũng là quan điểm của GS. Nguyễn Tài Cẩn. Trong cuốn “Ngữ pháp tiếng Việt” GS. Nguyễn Tài Cẩn viết: “Trong tiếng Việt, có một loại đơn vị xưa nay ta thường quen gọi là “tiếng”, “tiếng một” hay là “chữ”, ví dụ : ăn , học , nhà,  cửa … (…)Trong quan niệm của chúng tôi, mỗi một tiếng như thế chính là một một đơn vị gốc, - một hình vị - của ngữ pháp tiếng Việt : tiếng là đơn vị có đủ cả hai đặc trưng “đơn giản nhất về tổ chức” và “có giá trị về mặt ngữ pháp” (Nguyễn Tài Cẩn, Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb ĐHQGHN, H., 2004 (bản in lần thứ 7), tr. 12,13).  
Đoàn Thiện Thuật, trong một công tình nghiên cứu của mình, cũng cho rằng âm tiết trong tiếng Việt có cương vị ngôn ngữ  khác với trong các ngôn ngữ ấn Âu. Ông khẳng định điểm khác biệt đó là “trong tiếng Việt ranh giới âm tiết trùng với ranh giới hình vị” (Đoàn Thiện Thuật, Ngữ âm tiếng Việt, Nxb ĐH và THCN, H.., 1980 . tr. 62) Chứng minh cho điều này, Đoàn Thiện Thuật phân tích một câu trong một bài thơ của Hồ Chủ tịch :
Tiến lên toàn thắng ắt về ta
Ông cho rằng nếu phân tích ở bình diện thứ nhất, bằng cách đối chiếu với những phát ngôn khác, như  “năm qua thắng lợi vẻ vang”, “tiến vào khoa học kỹ thuật”… và rút ra những đơn vị có ý nghĩa nhỏ nhất, tức hình vị, ta sẽ có bẩy hình vị khác nhau. Phát ngôn trên nếu được phân tích trên bình diện thứ hai bằng cách căn cứ vào trọng âm, vào luồng hơi thở khi phát âm và đi tới những đơn vị phát âm nhỏ nhất, tức âm tiết, thì ta có được 7 âm tiết. Như vậy số lượng âm tiết và số lượng hình vị bằng nhau và ranh giới của chúng trùng nhau. Mỗi âm tiết là hình thức biểu đạt của một hình vị. Thực ra, tiến xa hơn, chúng ta cũng có thể khẳng định 7 âm tiết  = 7 hình vị  = 7 từ (hiện tượng nhất thể tam ngôi trong các ngôn ngữ đơn lập)
Đoàn Thiện Thuật cũng nêu thêm một số trường hợp mà có thể làm người ta đặt dấu chấm hỏi khi khẳng định: ranh giới của âm tiết trùng với ranh giới của hình vị. Đó là :
+ Các từ : xanh lè, tre pheo … thoạt đầu có thể nghĩ rằng yếu tố thứ hai không có nghĩa và cả hai âm tiết mới biểu đạt một hình vị. Nhưng thật ra chúng đề có nghĩa (“lè” - tiếng Mường có nghĩa là “xanh” , “pheo”- có nghĩa là tre)
+  Các từ lạnh lùng, thẹn thò, … Nếu đối chiếu với những từ đơn tiết như “lạnh” , “thẹn” ta sẽ thấy được nghĩa của yếu tố thữ hai trong lạnh lùngthẹn thò. Nghĩa của nó là nghĩa toàn thể (gồm hai yếu tố ) trừ đi yếu tố thứ nhất…
Để hiểu rõ hơn vấn đề, thiết nghĩ cũng cần phải đề cập đến vấn đề âm tiết . Vậy âm tiết là gì ? Tại sao lại có thể khẳng định như trên về hai đơn vị thuộc hai lĩnh vực nghiên cứu khác nhau ? Xin được nêu dưới đây một số cách giải thích về âm tiết :
 “…Các âm tiết là các đơn vị nhỏ nhất mà người ta có thể phân định lời nói của mình ra bằng những chỗ ngắt. Các âm tiết là sự phân định tự nhiên của lời nói, được gắn liền với bản thân sự tổ chức hô hấp trong quá trình của lời nói ” (Ju. X. Xtêpanov - Sách đã đã dẫn - tr . 179-180)
 “Âm tiết là đơn vị, ví nó có cấu tạo xác định, hoàn chỉnh và không thể chia xẻ được” (Hồ Lê. Vấn đề cấu tạo từ của tiếng Việt hiện đại. Nxb KHXH, H.,1976. tr.64)
 “Âm tiết là một đơn vị ngữ âm được phát ra với một luồng hơi liên tục, không bị cắt đoạn ra trong dòng ngữ lưu. Đứng về mặt hình thức mà nhìn thì hình vị có thể trùng với nó” (Đái Xuân Ninh. Hoạt động của từ điển tiếng Việt. Nxb KHXH, H., 1978, tr.12)
“Trong tiếng Việt, các đơn vị ngôn ngữ học xuất hiện trực tiếp và ngay lập tức trước khi có sự can thiệp của ngôn ngữ học là âm tiết. Là đơn vị không thay đổi, có nghĩa, nó vừa có thể so với từ, vừa so sánh với hình vị trong các tiếng châu Âu” (Phan Ngọc. Sự tiếp xúc ngữ nghĩa giữa tiếng Việt và tiếng Hán in trong “Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á ”. Viện Đông Nam Á, H.,1983, tr.139 )
 “Mỗi chuỗi lời nói mà con người phát ra gồm nhiều khúc đoạn dài ngắn khác nhau. Đơn vị phát âm ngắn nhất  là âm tiết (syllable). Người nói dù cố tình nói chậm đến đâu đi nữa thì cũng chỉ tách được đến âm tiết là hết. Một câu ca dao như :
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi ?
Gồm cả thảy mười bốn âm tiết.
Người ta không thể phát âm được một đơn vị nhỏ hơn âm tiết. Nói cách khác, mỗi âm tiết được phát âm nghe thành một tiếng. Phát ngôn có bao nhiêu tiếng là có bấy nhiêu âm tiết. Với các ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Thái,… thì xác định số lượng và ranh giới âm tiết là không khó, nếu không muốn nói là quá dễ dàng” (Mai Ngọc Chừ (chủ biên). Dẫn luận ngôn ngữ học. Nxb GD. H.,2007, tr.130 )
Những ý kiến trên về âm tiết , ở những mức độ nhất định đều góp phần khẳng định quan niệm thứ hai là đúng đắn hơn cả. Bởi lẽ quan niệm này phù hợp với đặc trưng loại hình của Việt ngữ - loại hình ngôn ngữ đơn lập.  Một trong những đặc điểm nổi bật của các ngôn ngữ thuộc loại hình này là tính phân tiết. Nghĩa là : trong các ngôn ngữ này, các từ đơn tiết làm thành hạt nhân cơ bản của từ vựng. Phần lớn những đơn vị được gọi là từ ghép, từ phái sinh được cấu tạo từ các từ đơn tiết này. Vì thế, ranh giới các âm tiết thường trùng với ranh giới các hình vị, hình vị không phân biệt với từ và do đó ranh giới giữa đơn vị gọi là từ ghép và cụm từ cũng khó phân biệt. 
Như vậy âm tiết của tiếng Việt là hình thức âm thanh của một hình vị hoặc tiềm tàng một khả năng được dùng như một đơn vị có nghĩa. Quan niệm này được dùng trong nhà trường phổ thông hiện nay.
3. Kết luận
Xin được khép lại bài viết bằng ý kiến của GS. Nguyễn Tài Cẩn :  “Nghiên cứu ngữ pháp của một ngôn ngữ, trước hết phải xác định cho được, mô tả cho được cái đơn vị gốc gọi là hình vị đó. Có khảo sát kỹ đơn vị này thì mới có đủ điều kiện để tiến xa hơn, bàn đến các đơn vị bậc cao hơn, phức tạp hơn về mặt tổ chức” (Sđd, tr. 10). Quả vậy! Nếu không giải quyết triệt để và đúng đắn vấn đề đơn vị ngữ pháp cơ sở thì khó có thể xác định hướng đi tiếp theo trên con đường xây dựng lí thuyết ngữ pháp học.
Trở lên, chúng tôi đã nêu những quan niệm về đơn vị ngữ pháp cơ sở trong ngôn ngữ học nói chung và trong Việt ngữ học nói riêng. Với những trình bày trên, chúng tôi hi vọng phần nào làm rõ và nhận diện được một cách đúng đắn nhất đơn vị ngữ pháp cơ sở trong Việt ngữ học.

Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Tài Cẩn, Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb ĐHQGHN, H., 2004(bản in lần thứ 7)
2. Mai Ngọc Chừ (chủ biên), Nguyễn Thị Ngân Hoa, Đỗ Việt Hùng, Bùi Minh Toán, Nhập   môn ngôn ngữ học, Nxb GD, H., 2007
3. Nguyễn Thiện Giáp(chủ biên), Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Minh Thuyết, Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb GD, H.,2006
4. Nguyễn Quang Hồng, Âm tiết và loại hình ngôn ngữ, Nxb ĐHQGHN, H., 2002
5. Đoàn Thiện Thuật, Ngữ âm tiếng Việt, Nxb Đh và THCN , H., 1980
6 Nguyễn Như ý (chủ biên), Hà Quang Năng, Đỗ Việt Hùng, Đặng Ngọc Lê, Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, NXB GD, H.,2003
7 JU.X. Xtêpanov, Những cơ sở của Ngôn ngữ học đại cương, Nxb ĐH và THCN, H., 1977
 Bài: Đoàn Tiến Lực
Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế

NHẬN XÉT ()