(ĐHVH) - Dịch thuật đóng
một vai trò quan trọng trong bất cứ thời đại nào, đặc biệt trong xu
thế toàn cầu hóa hiện nay. Dịch thuật mang tri thức đến cho những ai
đang tìm kiếm tri thức mới. Theo Kelly (2004), “không có dịch thuật,
không có lịch sử thế giới”. Đúng vậy, dịch thuật không những giúp
chúng ta hiểu được những nền văn minh bị vùi lấp lâu nay bởi thời
gian mà còn mở ra sự khám phá thế giới trong tương lai. Nói cách
khác, hoạt động dịch thuật thúc đẩy sự trao đổi tri thức, giao lưu văn
hóa giữa con người và các dân tộc.
Dịch thuật là
gì?
Có rất nhiều quan điểm được đưa ra bởi các nhà
nghiên cứu về khái niệm dịch thuật trong suốt lịch sử phát triển
của nó.
Hartman & Stock (1972) cho
rằng: dịch là thay thế một văn bản trong một ngôn ngữ bằng một văn
bản tương đương trong ngôn ngữ thứ hai. Còn theo Nida & Taber (1974),
dịch thuật là tái tạo lại trong ngôn ngữ tiếp nhận (receptor language)
sự tương đương tự nhiên và sát với thông điệp của ngôn ngữ nguồn
(source language), trước hết là về nghĩa (meaning) và sau đó là phong
cách (style). Theo Larson (1998), dịch thuật là nghiên cứu từ vựng, cấu trúc
kết học, hoàn cảnh giao tiếp và ngữ cảnh văn hóa của văn bản ngữ nguồn, phân
tích văn bản để xác định nghĩa, rồi sử dụng từ vựng và cấu trúc kết học phù hợp
trong ngôn ngữ tiếp nhận để tái lập cùng nghĩa. Song, Newmark (1981)lại cho
rằng: dịch thuật là chuyển một văn bản này thành một văn bản khác
theo cùng cách tác giả thể hiện khi viết văn bản đó.
Tuy các
định nghĩa trên có chút khác biệt nhưng chúng có cùng một điểm chung
đó là sự tương đương trong dịch thuật (equivalence). Nghĩa là tìm ra
sự tương đương hoặc tương đương gần nhất nhưng vẫn giữ được nghĩa
và phong cách.
Sự tương đương
dịch thuật (equivalence translation)
Tương đương
dịch thuật là mối quan hệ giữa ngữ nguồn và ngữ đích mà cho phép
ngữ đích được coi là sự chuyển dịch của ngữ nguồn. Koller (1979), đưa
ra năm loại tương đương dịch thuật như sau:
- Tương
đương biểu niệm (denotative equivalence): quan hệ tương đương
được xem là hướng tới hiện
thực ngoài ngôn ngữ.
- Tương đương biểu thái (connotative equivalence): loại tương đương này
liên quan đến các phạm trù như phong cách, địa lí, xã hội.
- Tương đương chuẩn văn bản (text-normative equivalence): những từ trong
ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích được sử dụng trong cùng ngôn cảnh
trong các ngôn ngữ tương ứng.
- Tương đương ngữ dụng (pragmatic equivalence): là quan hệ
tương đương liên quan đến đối tượng tiếp nhận văn bản.
-
Tương đương hình thức (formal equivalence): là việc tạo ra sự tương đương
về hình thức (mẫu)`trong khi dịch bằng cách tạo ra các mẫu mới trong
ngôn ngữ đích.
Meetham & Hudson (1969)
lại đưa ra chi tiết hơn về mức độ tương đương: “các văn bản trong các
ngôn ngữ khác nhau có thể tương đương ở các mức độ khác nhau (tương
đương tuyệt đối hoặc tương đương một phần), về các bình diện trình
bày khác nhau (tương đương về ngữ cảnh, ngữ nghĩa, kết học, từ vựng,
chức năng, số lượng, v.v…) và ở các cấp độ khác nhau (từ với từ,
ngữ với ngữ, câu với câu).
Tuy nhiên, Whorf (1956) thì
khẳng định: không có hai ngôn ngữ nào có thể nhìn nhận một thực tế
theo cùng một cách. Ngoài ra, thực tế của vấn đề là thế giới hiện
thực ở mức độ lớn được hình thành một cách vô thức từ những thói
quen ngôn ngữ của nhóm. Hai ngôn ngữ không bao giờ lại giống nhau một
cách đầy đủ để được xem là cùng tái hiện một thực tế xã hội.
Nida (1984) cũng có
cùng quan điểm trên và khẳng định, không thể có được tương đương tuyệt
đối trong dịch thuật.
Rõ ràng, mỗi dân tộc đều
có một nền văn hóa với những đặc trưng riêng của nó. Cách nhìn
nhận, đánh giá thế giới khách quan của mỗi dân tộc cũng khác nhau.
Do vậy, khi chuyển dịch từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích đôi khi
sẽ không tìm được sự tương đương tuyệt đối. Chẳng hạn, người dịch
liên ngôn chắc chắn không thể tìm được những từ tiếng Anh tương đương
với từ “thắng cố” (một món ăn phổ biến của người dân tộc vùng cao
ở Việt Nam), “bánh tằm” (ẩm thực đặc trưng của người miền tây ở
Việt Nam, từ “xẩm” trong hát xẩm, từ “hầu đồng” (một nghi thức trong
hoạt động tín ngưỡng dân gian của một số nước châu Á, trong đó có
tín ngưỡng dân gian Việt Nam v.v…
Như đã
biết, chuyển dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác là một vấn đề
không hề đơn giản bởi nó không những đòi hỏi người dịch phải có tri
thức về ngôn ngữ mà còn có tri thức về văn hóa, tâm lí xã hội.
Người dịch liên ngôn sẽ gặp khó khăn khi dịch những câu ca dao, tục
ngữ, thành ngữ đặc thù của dân tộc Việt Nam sang tiếng Anh và những
thành ngữ, đặc ngữ tiếng Anh sang tiếng Việt. Chẳng hạn, thành ngữ
tiếng Anh ‘a big cheese’ trong ‘He is a big cheese’. Nếu người
dịch liên ngôn không chú ý đến nét văn hóa của Anh là ví một
nhân vật quan trọng và có quyền lực như “một cục pho mát to”, thì sẽ
khó dịch chính xác thành ngữ này. Người Anh cũng ví một người ngủ
say mà không biết trời đất ra sao là: ‘ngủ như tảng đá hay ngủ như
khúc gỗ’ ( sleep like a rock/ lock) nhưng người Việt lại diễn đạt
theo cách khác ‘ngủ say như chết’ hay thành ngữ not (one’s) cup
of tea trong câu ‘The man Bonita met at the party was kind, but he
was not her cup of tea’ . Nếu chúng ta không biết được hàm ngôn, hàm
ý của câu tiếng Anh này, sẽ rất khó dịch đúng nghĩa. Câu này phải
được dịch như sau: “người đàn ông mà Bonia gặp ở bữa tiệc rất tốt
nhưng đó không phải là người cô ta thích” không dịch ‘… anh ấy không phải
là tách trà của cô ta’
Khi nói
đến người ăn được nhiều, người Việt thường dùng hai hình ảnh “thùng,
vại” hoặc con vật “thuồng luồng” để ví ‘ăn thùng uống vại/ ăn như
thuồng luồng’ . Trong khi đó người Anh lại ví người ăn nhiều là: ‘ăn
như ngựa’ (eat like a horse). Nói đến sự khác biệt lớn giữa
hai người hoặc hai sự việc, người Việt dùng hình ảnh ‘trời và
vực’ để ví như ‘James và John khác nhau một trời một vực’.
Trong khi đó người Mĩ (tiếng Anh Mĩ) lại dùng ‘ngày và đêm’ để
so sánh sự khác biệt như trong câu ‘James and John are as different as
day and night’.
Từ những
ví dụ trên, chúng ta có thể thấy nếu người dịch liên ngôn giữ nguyên
những lời ví từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích thì sẽ dẫn đến
sự không tương xứng về nghĩa và trong một số trường hợp có thể gây
ra sự hiểu lầm.
Tóm lại,
hoạt động dịch thuật không những đòi hỏi người dịch phải có kĩ năng
phân tích văn bản, kiến thức chuyên ngành, am hiểu văn hóa của ngôn
ngữ nguồn và ngôn ngữ đích mà phải sáng tạo và tinh tế.
Để việc dịch thuật được
thuận lợi, người dịch liên ngôn cần nắm rõ một số phương pháp dịch
phổ biến sau.
Một số phương
pháp dịch thuật phổ biến
a. Phương pháp dịch giao
tiếp
Theo Newmark
(1995), trong phương pháp dịch giao tiếp người dịch có quyền sửa hoặc
cải thiện tính logic trong giao tiếp; thay thế những từ chưa tinh tế;
không dịch những từ khó hiểu; loại bỏ những chỗ lặp lại; những chỗ
còn mơ hồ chưa rõ ràng; hay làm rõ các biệt ngữ.
b. Phương pháp dịch chuyển
Theo Newmark
(1981), phương pháp dịch chuyển là quá trình chuyển từ gốc của ngôn
ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích và từ đó trở thành từ “vay mượn”.
Nghĩa là, trong khi dịch người dịch phải quyết định liệu có chuyển
hay không chuyển một từ mà không phổ biến ở ngôn ngữ đích. Nói chung,
những sản phẩm văn hóa, những khái niệm nên được dịch chuyển để tôn
trọng đặc thù văn hóa dân tộc của ngôn ngữ nguồn. Có hai cách sử
dụng từ ‘vay mượn”. Thứ nhất, người dịch liên ngôn có thể sử dụng
những từ vay mượn trực tiếp từ ngôn ngữ nguồn mà không cần giải
thích. Chẳng hạn, email, fax, hotline, hot girl, photocopy, fast food…
Thứ hai, sử dụng từ “vay
mượn” kèm theo lời giải thích. Một số từ vay mượn có khái niệm mới
hoặc không phổ biến trong ngôn ngữ đích và vì vậy lời giải thích là
cần thiết khi chúng xuất hiện lần đầu tiên. Chẳng hạn, từ
supper- bữa ăn nhẹ của người Anh, từ pudding- một loại bánh làm bằng
bột mì với mỡ và trứng, làm chín bằng cách nướng, luộc hoặc hấp
(bánh pudding)- loại bánh này không quen thuộc với người Việt Nam. Từ
ice hockey- môn thể thao đặc trưng của người Anh (khúc côn cầu) hay từ
baseball- môn thể thao phổ biến ở Mĩ chơi bằng một cái gậy và một quả
bóng, gồm hai đội với chín cầu thủ trên một sân có bốn góc (bóng chày)
c. Phương pháp dịch sát nghĩa
Để có thể
hiểu sâu hơn về phương pháp này chúng ta hãy tìm hiểu quan điểm của Newmark
(1995). Theo ông, dịch sát nghĩa là chuyển ngữ pháp, trật tự từ và nghĩa của
ngữ nguồn sang ngữ đích. Phương pháp dịch sát đa dạng từ cấp độ từ sang từ,
mệnh đề sang mệnh đề, câu sang câu, v.v… Với quan điểm này, người dịch liên
ngôn không chỉ là người truyền tin mà còn là đồng tác giả của văn bản ngữ đích
.
d. Phương pháp dịch loại bỏ
Theo Baker
(1992), nếu nghĩa được truyền đạt bởi một từ hoặc một cụm từ không
quan trọng trong việc phát triển văn bản hay phải giải thích dài
dòng, thì người dịch có thể loại bỏ từ hoặc cụm từ đó. Chẳng
hạn, từ ‘of’ khi dịch sang tiếng Việt có thể được loại bỏ trong
trường hợp sau: “the case notions comprise a set of universal” (vai
nghĩa gồm một tập hợp khái niệm phổ quát – không dịch vai nghĩa gồm
một tập hợp khái niệm của phổ quát), từ ‘with’ trong câu “deep blue ceramic
jar, painted with flowers” (âu gốm hoa lam, được vẽ hoa mai dây- không dịch
âu gốm hoa lam được vẽ với hoa mai dây ). Ngoài ra, thì (tenses) trong
tiếng Anh là một phạm trù ngữ pháp nên khi nói về một điều gì đó xảy ra trong
quá khứ, người Anh không những để động từ đó ở thì quá khứ mà còn kèm theo một
trạng từ chỉ thời gian trong quá khứ như câu sau: “ She went to bed at eleven
p.m yesterday”. Trong khi đó thì trong tiếng Việt không phải là phạm trù
ngữ pháp nên khi dịch câu này sang tiếng Việt người dịch liên ngôn chỉ cần
dịch “Hôm qua con bé đi ngủ lúc 11h” không dịch “hôm qua con bé đã đi ngủ
lúc 11h”
Kết luận:
Hoạt động dịch thuật đang
phát triển rất mạnh mẽ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Nó giúp
chúng ta thành công hơn trong giao lưu và hội nhập quốc tế. Trong quá
trình dịch thuật, người dịch liên ngôn luôn phải đối chiếu để tìm ra
những điểm tương đồng, dị biệt, sự lưỡng nghĩa, những ‘gu’ sử dụng
từ ngữ giữa ngữ nguồn và ngữ đích để từ đó chọn được cách dịch
tương đương nhất, thỏa đáng nhất. Ngoài ra, cần chú ý tới mục đích
của mỗi bản dịch để có những phương pháp dịch phù hợp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Baker, M.
(1992). A Coursebook on Translation. London and NewYork: Routledge.
2. Hartman,
K., & Stock, C. (1972). Dictionary of Language and Linguistics. Longman,
New York.
3. Kelly,
L. G. (2004). The History of Translation. http://www.complete
translation/history.htm.
4. Koller,
W. (1979). Equivalence in Translation. Prentice Hall International (UK) Ltd.
5. Larson,
L. (19980. Meaning-based Translation: A Guide to Cross language
Equivalence. Lanham, MD:University Press of America and Summer Institute of
Linguistics.
6. Meetham,
A. & Hudson, R. (1969). Encyclopedia of Linguistics Information and
Control. Oxfort: Pergamon.
7. Newmark,
P. (1981) Approaches to Translation. Oxford: pergamon Press.
8. Newmark,
P. (1995). A Textbook of Translation. B and Jo Enterprise Pre Ltd.
9. Nida, E.,
& Taber, C. (1974). The Theory and Practice of Translation. Leiden:
Koninklijke.
10. Nida, E.
A., (1984). Approacches to Translating in the Wesstern World, Foreign Languages
and Research.
11. Whorf,
B. L., Language, Thought and Reality (1956). Cambridge. Mass., MIT Press.
Bài: G/V Nguyễn
Thị Quỳnh Hoa - Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế