Dưới đây là một
phần trong lệnh truyền của vua Quang Trung với quân lính:
“Quân Thanh sang xâm lược nước ta, hiện ở
Thăng Long, các người đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã
phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị (...) Các ngươi
đều là những kẻ có lương tri, lương năng, hãy nên cùng ta đồng hiệp lực, để dựng
nên công lớn.”
(Trích Ngữ văn 9, tập một)
Câu 1: Đoạn văn trên trích
trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?
Câu 2: Nhà vua nói “đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng,
phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị” nhằm khẳng định điều gì? Hãy
chép 2 câu trong bài thơ “Sông núi nước
Nam” có nội dung tương tự.
Câu 3: Từ đoạn trích trên,
với những hiểu biết xã hội, em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng nửa trang giấy
thi) về hình ảnh những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của
dân tộc.
Gợi ý
Câu 1: Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả
là ai?
- Đoạn văn trên
trích trong tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống
chí”.
- Tác giả Ngô
gia văn phái: Nhóm tác giả dòng họ Ngô Thì, trong đó có hai tác giả chính là
Ngô Thì Chí, và Ngô Thì Du.
Câu 2: Nhà vua nói “đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia
nhau mà cai trị” nhằm khẳng định điều gì? Hãy chép 2 câu trong bài thơ “Sông núi nước Nam” có nội dung tương tự:
- Nhà vua nói “đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng,
phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị” nhằm khẳng định: Chủ quyền độc
lập lãnh thổ dân tộc đã được phân định rõ từ xưa đến nay. Qua câu nói này,
Quang Trung muốn khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các tướng sĩ.
“Hai câu thơ
trong bài thơ “Sông núi nước Nam” có
nội dung tương tự là:
Phiên âm:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”
Dịch thơ
“Sông núi nước Nơm vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở”
Câu 3: Trình bày suy nghĩ về hình ảnh những người chiến
sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc:
- Bảo vệ lãnh thổ,
chủ quyền độc lập dân tộc là trách nhiệm và bổn phận của mỗi người dân Việt
Nam. Nó là biểu hiện hùng hồn cho truyền thông yêu nước của dân tộc khi đất nước
có giặc ngoại xâm.
- Những người
chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc là nối tiếp, phát
huy truyền thống yêu nước, bảo vệ non sông gấm vóc của Tổ quốc.
- Những người
lính đang canh giữ biển đảo của đất nước mang trong mình những vẻ đẹp của người
lính trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đó là:
+ Họ mang phẩm
chất tốt đẹp của người lính cách mạng: sống có lý tưởng, có “lương tri, lương năng”, vượt mọi khó
khăn (xa gia đình, quê hương, sống ở nơi có khí hậu khắc nghiệt, đời sống vật
chất thiếu thốn...) nhưng vẫn cầm chắc tay súng bảo vệ biển đảo của đất nước. Họ
không chỉ có tinh thần trách nhiệm cao mà còn có lòng dũng cảm, gan dạ. Đặc biệt
là sự dũng cảm vượt lên chính mình để ngày đêm ở lại đảo xa thực hiện nhiệm vụ
của Đảng và Nhà nước giao phó. Họ là những người lính có tình đồng đội, biết gắn
bó chia sẻ “đồng tâm hiệp lực, để dựng
nên công lớn”.
+ Họ còn có tâm
hồn trong sáng, hồn nhiên, trẻ trung, lạc quan yêu đời; có phong cách sống hiện
đại; có tri thức khoa học và đặc biệt biết vận dụng sáng tạo những tri thức đó
từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường vào việc bảo vệ biển đảo của đất nước.
- Đảng, Nhà nước,
mọi người dân đều hướng về họ với tấm lòng mến yêu, biết ơn, chia sẻ động viên.
Nhà nước đã có chính sách đãi ngộ đối với những người lính ở đảo xa và người
thân của họ ở hậu phương. Các ban ngành, đoàn thể trên cả nước đã tổ chức thăm
hỏi, động viên họ, đặc biệt là những ngày lễ, tết...
- Học sinh liên
hệ tình cảm và việc làm của em và trường em với các chiến sĩ đang canh giữ biển
đảo cho đất nước.