-->

Bàn về nghề dịch thuật

Bàn về nghề dịch thuật

Dich thuat là một nghệ thuật đòi hỏi những kỹ năng khác hẳn chuyện hiểu, sử dụng thành thạo một ngoại ngữ. Lạ một điều là bất kỳ ai có chút kiến thức về ngoại ngữ cũng có thể tham gia tranh luận cách dịch thuật, mà tranh luận rất hăm hở là đằng khác.

Cái chuẩn mực trong dịch thuật là làm sao để đến khi thuật ngược lại cho tác gia văn bản gốc nghe, họ sẽ bảo đó không hoàn toàn là những điều tôi viết nhưng ý tôi đúng là như thế đấy.

Dù vậy, thách thức lớn đối với người dịch không chỉ là am hiểu văn hóa và ngôn ngữ của nguyên tác, mà còn là khả năng sáng tạo ngôn ngữ mà mình dịch ra. Khả năng đó bao hàm cách dụng từ ngữ, câu cú sao cho văn có giọng có hồn có sắc.

Đọc một tác phẩm văn chương của nước ngoài thấy hay, độc giả có khi chỉ nhớ tên tác giả. Nếu chưa thấy hay, hoặc cho là dở, độc giả chỉ trách cứ dịch giả. Cái nghề dịch thuật nhiều lúc bạc bẽo là thế. Càng bị bạc bẽo hơn nếu như độc giả không am hiểu và không đồng cảm thì có khi chỉ một vài lỗi sai của bản dịch mà phê phán, chỉ trích dịch giả nặng lời, xóa toẹt cả công lao của họ đã lâu nay đưa đến cho mình những tác phẩm được ngợi khen. Góp ý, chỉnh sửa cho các dịch giả là cần, nhưng đừng quên chúng ta đã đọc các bản dịch hay khác của họ và xuýt xoa tán thưởng.

Ai làm nghề dịch đều biết không bản dịch nào hoàn chỉnh theo nghĩa đúng một trăm phần trăm. Không thể có bản dịch nào đặt trùng khớp hoàn toàn với bản gốc, dù chỉ với một lý do hiển nhiên là không có hai ngôn ngữ giống nhau hoàn toàn. Sai sót, có lúc sai lầm, luôn là một yếu tố đi liền với quá trình dịch. Có sai thì có sửa. Một tác phẩm văn chương nước ngoài có thể có nhiều bản dịch trong một thứ tiếng, thí dụ như cuốn tiểu thuyết Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupéry đã có gần chục bản dịch tiếng Việt. Mỗi bản một khác và bản nào cũng đem lại cho người đọc những rung động sâu xa về tấm lòng của nhà văn phi công Pháp đối với con người và hành tinh ta sống.

Đứng từ góc độ một người đọc chúng ta biết ơn các dịch giả nhiều thế hệ, đặc biệt là lớp dịch giả trẻ hiện nay dám dũng cảm bước vào địa hạt dịch văn chương. Còn gì sung sướng hơn trong cuộc sống hôm nay được đọc một tác phẩm như tiểu thuyết Người trong bóng tối của nhà văn Paul Auster bản tiếng Việt do Trịnh Lữ dịch tại Việt Nam ra cùng lúc với bản tiếng Anh The man in dark ở Mỹ vào ngày 19-8-2008.

Những người dịch thuật văn chương đang có đó, họ có sai hãy giúp họ sửa sai một cách lành mạnh, đúng đắn bằng cách chia sẻ và động viên, cổ vũ họ tiếp tục hoàn thiện nghệ thuật dịch của mình.

NHẬN XÉT ()