-->

Thực trạng nền dịch thuật văn học

Thực trạng nền dịch thuật văn học

Thời gian gần đây, những lỗi dich thuat xuất hiện quá nhiều, cho nên cụm từ "thảm họa dịch thuật" cũng theo đó mà hình thành và ngày càng được sử dụng phổ biến.

Ðành rằng, sự cách biệt về thời gian, không gian địa lý cũng như độ thẩm thấu văn hóa luôn là rào cản khách quan cố hữu khiến dịch giả khó lòng tránh khỏi những lỗi dịch. Song  những lỗi đó có nằm trong giới hạn chấp nhận được hay không và tần suất xuất hiện của chúng lại phụ thuộc phần lớn vào ý thức, trách nhiệm chủ quan của dịch giả và nhà xuất bản.

Chắc hẳn sẽ không ít người thắc mắc: Vậy tại sao, thế hệ dịch giả trẻ có điều kiện để đi đây đi đó, lại được sự trợ giúp của khá nhiều công cụ tra cứu trực tuyến mà vẫn dịch ẩu, dịch loạn, dịch theo kiểu "đoán" và dịch theo kiểu... bịa?  Trước đây, sau khi tìm thấy tác phẩm văn học nước ngoài ưng ý, bản thân dịch giả sẽ tự dịch và đề nghị nhà xuất bản cho phát hành. Hiện nay, trước lực đẩy của nền kinh tế thị trường, các nhà xuất bản, các công ty sách chỉ cần "đánh hơi" thấy những tác phẩm bán chạy tại nước ngoài sẽ lập tức chạy đua để mua bản quyền, sau đó gấp rút lựa chọn dịch giả chuyển dịch, in cấp tốc rồi tung ra thị trường. Chính vì mải chạy theo lợi nhuận, chất lượng dịch thuật văn học gần đây đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Dưới sức ép về mặt thời gian, nhiều dịch giả dù không thiếu tài song vẫn lựa chọn cách dịch theo kiểu "lướt sóng" bản thảo, cốt cho xong, dịch để bảo đảm tiến độ. Vậy thì sao tránh khỏi những lỗi dịch sai, dịch... loạn? Bên cạnh đó, số lượng sách dịch ngày một tăng kéo theo đòi hỏi đội ngũ dịch thuật cũng phải ngày càng đông đảo, song sự gia tăng số lượng những dịch giả có nghề không thể theo kịp sự gia nhập ồ ạt của những tác phẩm văn học ngoại. Nhiều "đầu nậu" sách đã huy động cả những sinh viên học ngoại ngữ  vào cuộc đua, dẫn đến chất lượng của những tác phẩm văn học gốc bị ảnh hưởng trầm trọng và những thảm họa dịch thuật càng có môi trường để sinh sôi nảy nở...

Tuy nhiên, thời gian qua, nỗi buồn dịch thuật văn học không chỉ dừng lại ở việc xuất hiện tràn lan những lỗi dịch sai, dịch ẩu, mà còn nằm ở chính thái độ ứng xử của dịch giả, nhà xuất bản trước những phản hồi mang tính xây dựng của độc giả. Nhiều dịch giả đã lên tiếng xin lỗi bạn đọc và thẳng thắn thừa nhận những khiếm khuyết trong bản dịch, nhiều nhà xuất bản đã dũng cảm thu hồi những bản dịch lỗi để chỉnh sửa, nhưng cũng có không ít dịch giả, nhà xuất bản sẵn sàng đổ vấy trách nhiệm cho nhau hoặc giữ thái độ im lặng, lảng tránh trước những phát hiện của độc giả bằng cách tắt điện thoại, không trả lời email. Ðiều này thêm một lần nữa đặt ra vấn đề về trách nhiệm, ý thức của dịch giả, biên tập viên với chính tác phẩm dịch của mình và với độc giả.

Hiên nay, nhiều cuốn sách, tác phẩm văn học chủ yếu được dịch từ sách nước ngoài, vậy sẽ như thế nào nếu chúng bị dịch sai và đạo đức của những dịch giả không được cải thiện? Sẽ còn một chặng đường rất dài để giải quyết được câu hỏi lớn này của nền dịch thuật văn học.

NHẬN XÉT ()