-->

Những điều cần tránh để nghe tiếng Anh hiệu quả hơn.

 www.dichthuatdaiviet.com

Có bao giờ bạn thấy bưc mình khi nghe một bài hát hay xem một bộ phim mà bạn chẳng thể hiểu gì không? Bạn luôn thắc mắc rằng tại sao bộ phim hay thế này mà mãi không có phụ đề nhỉ? Hay bộ phim này toàn diễn viên mình yêu thích mà chẳng hiểu nội dung đang đề cập vấn đề gì? Tất cả điều đó sẽ được khắc phục khi bạn đọc bài viết dưới đây.

Bạn nghe tiếng Anh không hiệu quả thường do các nguyên nhân sau:
1.      Bạn không nghe đều đặn thường xuyên.
Không một “phương pháp thần kỳ” nào và một “khả năng ghi nhớ” nào có thể giúp bạn nghe tiếng Anh tốt hơn nếu như bạn không luyện nghe thường xuyên. Những chương trình luyện nghe nói tiếng Anh hiệu quả đều đòi hỏi bạn nghe thường xuyên, thậm chí mỗi ngày.
Nghe là việc đầu tiên và rất đơn giản giúp bạn có thể làm để tiếp xúc với một ngôn ngữ mới (cho dù bạn chưa hiểu mình nghe được gì). Việc bạn học tiếng Anh cũng giống như một đứa trẻ bi bô học nói, bạn sẽ rất bỡ ngỡ làm quen cho đến khi thành thục. Bạn hãy nhớ lại, những đứa trẻ đã học  nói như thế nào? Chúng nghe mọi người nói liên tục mỗi ngày, 365 ngày/năm, suốt vài năm. Sau đó chúng mới bập bẹ tập nói và đến trường học đọc, học viết.
Dĩ nhiên, với một phương pháp học tiếng Anh hiệu quả, bạn không cần phải nghe liên tục suốt nhiều năm rồi mới có thể nói, đọc, viết. Nhưng nghe thường xuyên là điều bắt buộc phải làm nếu bạn muốn giỏi tiếng Anh. 

2.      Nghe một nội dung quá ít lần.
Hôm nay bạn nghe từ “flower”, bạn hiểu là hoa. Nhưng 30 ngày sau, bạn nghe lại từ “flower”, nhiều khi bạn không nhớ được nó nghĩa là gì. Điều đó sẽ xảy ra nếu bạn nghe 1 từ vựng (hoặc 1 nội dung) quá ít lần. Bạn sẽ không thể nhớ hết tất cả mọi từ đã học chỉ trong một lần nghe. Vì vậy bạn hãy nghe nhiều hơn và thỉnh thoảng nghe lại hoặc đọc lại các từ đã học để tránh bị lãng quên nhé.

3.      Nghe nhiều, nhưng lại là nhiều nội dung khác nhau. 
Mỗi ngày bạn nghe một bài vài lần, bạn sẽ thu thập được số lượng từ vựng hoàn toàn khác nhau. Nhưng nếu từ vựng trong bài hôm trước không lặp lại ở bài sau , bạn chỉ nghe mỗi từ vựng mới một vài lần. Với số lần nghe ít ỏi đó, bạn sẽ cảm thấy “quen quen nhưng không nhớ” nếu sau này nghe lại những từ vựng bạn cho là mình đã học và thuộc rồi.
Bạn cần nghe một nội dung nào đó nhiều lần để ghi nhớ sâu vào tiềm thức. Có như vậy, bạn mới có thể hiểu ngay mà không cần suy nghĩ ở những lần nghe sau.

4.      Nghe nhưng không hiểu

Nhiều bạn cho rằng chỉ cần nghe nhiều thì sẽ hiểu. Nhưng thực tế không phải như vậy. Bạn có thể nghe đến 100 lần, 1.000 lần cũng có thể vẫn không hiểu. Cũng giống như tiếng Việt, thời gian gần đây xuất hiện những từ mới mà nhiều cô bác lớn tuổi không hiểu, chẳng hạn như “đắng lòng”. Nếu bạn nói “đắng lòng”, họ sẽ nghe được nhưng vẫn không hiểu. Cho dù bạn nói “đắng lòng” bao nhiêu lần đi chăng nữa họ vẫn sẽ không hiểu. Trừ khi bạn giải thích cho họ hiểu “đắng lòng” là như thế nào. Hãy nhớ bạn phải hiểu những gì mình nghe, rồi từ đó nghe nhiều lần để ghi nhớ.

5.      Không lượng sức mình.
Nhiều bạn trình độ nghe và nói chỉ ở mức độ bập bẹ nhưng lại muốn thể hiện mình bằng cách nghe những bài khó. Điều này sẽ khiến bạn trở nên chán nản, mất dần cảm hứng nghe. Bạn hãy nên chọn những bài phù hợp với khả năng của mình từ cấp độ dễ đến khó.

6.      Không chú ý đến cách phát âm.
Chắc bạn cũng biết phát âm tốt sẽ giúp bạn nghe tốt. Phát âm chuẩn ngay từ đầu giúp bạn nghe dễ dàng hơn. Việc phát âm sai khiến bạn khó mà hiểu được khi nghe. Bạn sẽ chỉ biết lắc đầu không hiểu mình đang nghe gì nữa.

Hy vọng rằng với 6 nguyên nhân trên đây sẽ giúp bạn cải thiện được khả năng nghe tiếng Anh của mình.

Theo Thu Phương.





NHẬN XÉT ()