-->

6 kỹ năng mềm cần thiết cho các ứng viên khi đi xin việc.


Trong một cuộc khảo sát hơn 2000 doanh nghiệp tại Washington vào năm 2008, các nhà tuyển dụng nhận định rằng những nhân viên mới ở nhiều ngành nghề đang thiếu hụt các kỹ năng như: giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột và độ sâu sắc trong hành vi quan sát.
Bạn có thể thấy yêu cầu về những kỹ năng mềm này trong bản mô tả công việc bên cạnh kiến thức nghiệp vụ. Các chuyên gia tuyển dụng cho rằng chuyên môn giúp bạn bước vào vòng phỏng vấn nhưng kỹ năng mềm dưới đây mới quyết định bạn có được nhận vào làm hay không:
Kỹ năng giao tiếp: Điều này không có nghĩa bạn phải là một người mồm mép. Điều quan trọng là bạn thể hiện được mình qua một mẩu tin cô đọng, xúc tích, qua một bài thuyết trình thuyết phục hay khi trình bày với đồng nghiệp.
Làm việc nhóm và tinh thần hợp tác: Các ông chủ muốn nhân viên của mình có thể hợp tác tốt với nhau. Dù họ là nhóm trưởng hay là cấp dưới, họ phải vận hành được cỗ máy công ty, đáp ứng deadline, chung tay để hoàn thành mục tiêu.
Khả năng thích nghi: Điều này rất quan trọng để đập tan suy nghĩ rằng những nhân viên kỳ cựu đã hết thời. Trong một doanh nghiệp, bạn phải có tinh thần cầu thị và không ngừng phát triển cũng như cải thiện các kỹ năng để thích nghi được với sự thay đổi của doanh nghiệp.
Giải quyết vấn đề: Hãy chuẩn bị cho câu hỏi: “Bạn sẽ giải quyết tình huống này như thế nào?”. Bạn nên nghĩ ra một số trường hợp cụ thể bạn đã xử lý hoặc tham gia cùng xử lý. Sau đó, bạn giải trình xem bạn đã làm gì, vì sao bạn lại chọn cách xử lý đó và kết quả.
Quan sát kỹ lưỡng: Đừng chỉ thu thập và xử lý dữ liệu đơn thuần. Bạn cần phân tích và hiểu chúng. Những số liệu này nói lên điều gì? Còn có cách hiểu nào khác không? Bạn sẽ gây ấn tượng hơn khi đưa cho ông chủ một bản tóm tắt nêu lên trọng điểm thay vì những bảng biểu vô tri.
Giải quyết xung đột: Bạn nên trang bị khả năng thuyết phục, thương lượng và giải quyết mâu thuẫn nếu muốn phát triển. Bạn cần đẩy mạnh những mối quan hệ đôi bên cùng có lợi để gây ảnh hưởng và thuyết phục người khác.
Đừng nói suông, hãy thể hiện: Việc này có thể khó hơn việc chỉ ngồi liệt kê ra những thành tích như kiếm được 2 triệu đô hay đạt chứng chỉ này kia. Thế nhưng, nó sẽ giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Ví dụ nếu muốn thể hiện khả năng giao tiếp, hãy đảm bảo ngay từ khâu CV và thư xin việc không có lỗi đánh máy nào. Sau đó, hãy tiếp tục ghi điểm bằng cách viết một văn bản ghi lại những thành tích bạn đạt được.
Học những kỹ năng mềm đó: Bất kỳ kỹ năng nào cũng có thể học được và kỹ năng mềm cũng không ngoại lệ. Chúng sẽ không chỉ giúp ích trong công việc mà trong cả cuộc sống cá nhân của bạn.
Theo Nguyên Hạnh.

NHẬN XÉT ()