-->

Câu hỏi hay về bài thơ Truyện Kiều

 

Đọc đoạn trích sau rồi trả lời câu hỏi:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,

Tin sương luống những rày trông mai chờ.

Bên trời góc bể bơ vơ,

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

Xót người tựa cửa hôm mai,

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?

Sân Lai cách mấy nắng mưa,

Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

Câu 1: Đoạn trích nằm trong tác phẩm nào? Của ai? Vị trí đoạn trích thuộc phần nào của tác phẩm? Nội dung phần đó!

Câu 2: Tìm hai điển cố trong đoạn trích và nêu hiệu quả nghệ thuật của cách sử dụng điển cố đó.

Câu 3: Giải nghĩa từ “chén đồng”. Chỉ ra một thành ngữ, giải nghĩa thành ngữ đó và cho biết tác dụng?

Câu 4: Trong đoạn trên, tại sao nói về nỗi nhớ của Kiều với Kim Trọng tác giả sử dụng từ “tưởng” còn khi nói về nỗi nhớ của Kiều với cha mẹ nhà thơ lại dùng từ “xót”.

Câu 5: Đoạn thơ trên đã diễn tả nỗi nhớ thương của Kiều với Kim Trọng và cha mẹ. Có ý kiến cho rằng: “Nếu Nguyễn Du miêu tả Kiều nhớ cha mẹ trước, nhớ người yêu sau thì phải đạo làm con hơn” Em có đồng ý với ý kiến trên không? Vì sao?

Câu 6: Viết đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận quy nạp làm rõ những phẩm chất của Kiều được thể hiện ở đoạn thơ trên. Trong đoạn có sử dụng câu bị động và thành phần khởi ngữ.

Gợi ý

Câu 1: Xuất xứ và vị trí đoạn trích. Nội dung đoạn trích:

Đoạn thơ thuộc đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du.

- Vị trí đoạn trích: Phần thứ hai: Gia biến và lưu lạc

- Nội dung đoạn trích: Sau khi biết mình bị lừa vào chốn lầu xanh, Kiều uất ức định tự vẫn. Tú Bà vờ hứa hẹn đợi Kiều bình phục sẽ gả chồng cho nàng vào nơi tử tế, rồi đưa Kiều ra giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, đợi thực hiện âm mưu mới.

Câu 2: Xác định hai điển cố và hiện quả sử dụng của chúng:

- Hai điển cố: Sân lai, gốc tử.

- Hiệu quả sử dụng:

+ Bộc lộ được lòng hiếu thảo của Kiều với cha mẹ, ngầm so sánh Kiều với những tấm gương chí hiếu xưa.

+ Khiến lời thơ trở nên trang trọng, thiêng liêng hơn, phù hợp với việc ca ngợi tình cảm hiếu thảo hiếm có của Kiều

Câu 3: Giải nghĩa từ “chén đồng”. Chỉ ra một thành ngữ, giải nghĩa và cho biết tác dụng của thành ngữ đó:

- “chén đồng”: Chén rượu thề nguyền cùng lòng cùng dạ (đồng tâm) với nhau.

- Thành ngữ: Quạt nồng ấp lạnh.

- Giải nghĩa: Mùa hè, trời nóng nực thì quạt cho cha mẹ ngủ; mùa đông, trời lạnh giá thì vào nằm trước trong giường (ấp chiếu khăn) để khi cha mẹ ngủ, chỗ nằm đã ấm sẵn. Ý cả câu nói về sự lo lắng không biết ai sẽ phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ.

=> Tác dụng: Ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn Thúy Kiều: nỗi nhớ thương cha mẹ, tấm lòng hiếu thảo của Thúy Kiều.

Câu 4: Nói về nỗi nhớ của Kiều với Kim Trọng tác giả sử dụng từ “tưởng” còn nói về nỗi nhớ của kiều với cha mẹ lại dùng từ “xót”:

- Từ “Tưởng”: trong câu thơ “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng” nghĩa là: nhớ về, hồi tưởng lại, mơ tới. Từ này bộc lộ chính xác nỗi nhớ Kim Trọng của Kều. Nỗi nhớ của một tình yêu đắm say trong sáng gắn với những kỉ niệm ngọt ngào.

- Từ “xót”: trong câu “Xót người tựa cửa hôm mai” nghĩa là yêu thương, thấm thìa, xót xa. Từ ngày đã bộc lộ rõ tình yêu thương, lòng hiếu thảo hết mực của nàng với cha mẹ trong hoàn cảnh phải cách xa, li biệt.

=> Cách sử dụng từ ngữ hết sức chuẩn xác và tinh tế của Nguyễn Du.

Câu 5: Để Kiều nhớ về Kim Trọng trước vì:

- Không thể để Kều nhớ về cha mẹ trước nhớ về Kim Trọng sau.

- Trước hết, nàng đau đớn nhớ tới chàng Kim, điều này vừa phù hợp với quy luật tâm lý, vừa thể hiện sự tinh tế của ngòi bút Nguyễn Du.

- Kiều nhớ Kim Trọng trước rồi mới nhớ đến cha mẹ vì nàng cảm thấy mình có lỗi không giữ được lời hẹn ước với chàng Kim. Còn với cha mẹ dù sao Kiều cũng đã phần nào làm tròn chữ hiếu khi bán mình cứu cha và em.

Câu 6: Viết đoạn văn làm rõ phẩm chất của Kiều:

* Lòng thủy chung, tình yêu mãnh liệt:

- Nhớ Kim Trọng da diết

- Xót xa khi nghĩ đến cảnh Kim Trọng ngày đêm ngóng chờ mình

- Khẳng định tình yêu của mình với Kim Trọng không bao giờ phai nhạt

* Lòng hiếu thảo hết mực với cha mẹ:

- Hiểu rõ tấm lòng đau đớn, nhớ nhưng con của cha mẹ, vì thế mà càng xót xa hơn khi nghĩ đến cảnh cha mẹ vì mình mà vò võ ngóng trông

- Lo lắng vì mình không thể ở gần để ngày đêm phụng dưỡng song thân.

- Xót xa nghĩ đến cảnh cha mẹ mỗi ngày một già yếu mà mình thì vẫn ở “bên trời góc bể”.

* Lòng vị tha hết mực:

- Trong cảnh ngộ bị lưu lạc, đọa đày trong chốn lầu xanh, nàng vẫn luôn nghĩ và lo lắng cho người thân hơn cả lo nghĩ cho bản thân mình.

- Nàng luôn tự trách, tự nhận lỗi về mình trong mọi việc.

NHẬN XÉT ()