-->

Câu hỏi về bài Mùa xuân nho nhỏ

 

Trong sáng tác, cuối cùng của cuộc đời cầm bút, nhà thơ Thanh Hải đã viết:

… “Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Mội nét trầm xao xuyến.

 

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”...

(Mùa xuân nho nhỏ)

Câu 1: Hãy trình bày mạch cảm xúc của bài thơ.

Câu 2: Trong những câu thơ trên, biện pháp nghệ thuật ẩn dụ và hoán dụ được tác giả sử dụng qua những từ ngữ, hình ảnh nào? Nêu hiệu quả nghệ thuật của những biện pháp tu từ đó.

Câu 3: Từ hai khổ thơ trên và những hiểu biết xã hội, em hãy viết đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi trình bày suy nghĩ về lí tưởng sống của tuổi trẻ hiện nay.

Gợi ý

Câu 1: Mạch cảm xúc bài thơ

- Dòng cảm xúc được khơi nguồn từ vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân thiên nhiên từ đó mở rộng ra với mùa xuân của đất nước.

- Cảm xúc lắng dần vào sự suy tư và ước nguyện của nhà thơ muốn được hòa nhập và đóng góp cho cuộc đời chung.

- Bài thơ kết thúc với những tình cảm thiết tha tự hào về quê hương đất nước.

Câu 2: Hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ trong khổ thơ và tác dụng:

- Biện pháp nghệ thuật:

+ Ẩn dụ: Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ”

+ Hoán dụ: “tuổi hai mươi”, “khi tóc bạc”

- Hiệu quả nghệ thuật:

+ Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ”: chỉ con người cá nhân với lối sống đẹp, sống với tất cả sức sống tươi trẻ của mình nhưng rất khiêm nhường, là một mùa xuân nhỏ góp vào mùa xuân lớn của đất nước, của cuộc đời chung.

+ Hình ảnh hoán dụ: “tuổi hại mươi” (tuổi trẻ mạnh mẽ đầy sức sống) và “khi tóc bạc” (tuổi đã xế bóng) ® khát vọng cống hiến, hiến dâng tất cả sức lực của mình cho cuộc đời và đất nước.

Câu 3: Viết đoạn nghị luận suy nghĩ về ý tưởng sống của thế hệ trẻ:

a. Giải thích khái niệm:

- Lý tưởng là mục đích sống cao đẹp. Sống đẹp là lối sống mình vì mọi người thể hiện bằng sự cống hiến hết mình trong học tập, trong công việc để xây dựng quê hương, đất nước....

- Lý tưởng của thanh niên Việt Nam hiện nay là sống chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

b. Biểu hiện: Những tấm gương sống có lý tưởng cao đẹp

- Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ: Bác Hồ, chú bé Lượm, Kim Đồng, Võ Thị Sáu…

- Ngày nay: Những con người đang ngày đêm âm thầm, lặng lẽ cống hiến cho công cuộc xây đựng đất nước: anh thanh niên trong truyện “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, những người chiến sĩ hải quân, Lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam....

c. Ý nghĩa, vai trò:

- Lý tưởng là mục đích sống, quyết định sự thành công

- Lý tưởng cho ta sức mạnh vượt qua những khó khăn, chông gai trong cuộc sống để đạt được những điều tốt đẹp.

- Lý tưởng sống cao đẹp là điều kiện để con người sống có ý nghĩa, giúp con người hoàn thiện vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách.

d. Bàn bạc mở rộng:

- Trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có một số ít người sống không có lý tưởng, có lối sống vị kỉ, cá nhân, mục đích sống tầm thường hay dựa dẫm ỷ lại vào gia đình, người thân.

- Học sinh không có lý tưởng thường mải chơi, lười học bài, dựa dẫm vào sách học tốt, sách giải...

- Những người đó sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội bị mọi người lên án và phê phán.

e. Liên hệ thế hệ trẻ và bản thân:

- Từ những tấm gương trên tuổi trẻ hôm nay phải biết tìm cho mình lí tưởng sống cao đẹp và quyết tâm thực hiện đến cùng lý tưởng của đời mình.

- Mỗi người phải sống hết mình với vị trí mà mình đang đứng, với công việc mình đang làm.

- Là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường cần rèn luyện sống có mục đích, có lý tưởng ngay từ những việc làm nhỏ nhất.

NHẬN XÉT ()