Dưới đây là một
đoạn trong “Chuyện người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ)
... “Đoạn rồi nàng tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng
Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng:
- Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ,
điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng
giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc
Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối
con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp
mọi người phỉ nhổ.”…
(Theo Ngữ văn 9, tập một)
Câu 1: Trong tác phẩm lời
thoại trên là độc thoại hay đối thoại? Vì sao?
Câu 2: Lời thoại này được
Vũ Nương nói trong hoàn cảnh nào? Qua đó, nhân vật muốn khẳng định những phẩm
chất gì? Ghi lại ngắn gọn (khoảng 6 câu) suy nghĩ của em về những phẩm chất ấy
của nhân vật.
Câu 3. Làm nên sức hấp dẫn
của truyện truyền kì là những yếu tố kì ảo. Nêu 2 chi tiết kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương
Gợi ý
Câu 1: Lời thoại trên là lời độc thoại hay đối thoại?
Vì sao?
- Trong tác phẩm
đó là lời độc thoại
- Vì đó là lời
than của nàng với trời đất nhưng đó cũng là lời của nàng nói với lòng mình để
giãi bày tấm lòng trong trắng của mình. Lời nói không hướng tới một đối tượng
nào cả, phát ra thành tiếng thể hiện bằng gạch đầu dòng (-).
Câu 2: Hoàn cảnh Vũ Nương nói lời này. Qua đó, nhân vật
muốn khẳng định những phẩm chất gì? Ghi lại ngắn gọn (khoảng 6 câu) suy nghĩ của
em về những phẩm chất ấy của nhân vật:
* Lời thoại này được Vũ Nương nói trong hoàn
cảnh nào? Qua đó, nhân vật muốn khẳng định những phẩm chất gì?
Vũ Nương nói bị
chồng đối xử bất công mắng nhiếc đánh đuổi đi, thất vọng tột cùng, bị đẩy đến
đường cùng không thể giải được nỗi oan khuất, tất cả đã tan vỡ, nàng đau khổ
tuyệt vọng tìm đến cái chết để bày tỏ tấm lòng trong trắng, mượn nước sông để rửa
sạch tiếng nhơ oan ức. Lời than như một lời nguyền, xin thần sông chứng giám nỗi
oan khuất và tiết sạch giá trong của nàng, của một “kẻ bạc mệnh” đầy đau khổ.
Hành động tự trẫm mình của nàng là một hành động quyết liệt cuối cùng để bảo
toàn danh dự. Cái chết của Vũ Nương thể hiện nỗi đau khổ của nàng đã lên đến tột
cùng. Qua lời thề nguyền của Vũ Nương ta thấy nàng:
- Rất khao khát
cuộc sống gia đình hạnh phúc.
- Luôn trong
sáng, thủy chung với chồng.
- Rất mong được
minh oan, rất tự trọng.
* Những phẩm chất của nhân vật trong lời thoại:
- Nàng hiểu được
thân phận của mình, tự nhận mình là “kẻ bạc mệnh” có “duyên phận hẩm hiu”, song
vẫn khát khao được sống hạnh phúc với chồng con và mong thần sông minh oan cho
tấm lòng thủy chung, trong trắng của mình. Lời than, lời thề nguyền của Vũ
Nương thật thống thiết, ai oán.
- Hành động tự
trẫm mình của Vũ Nương là hành động quyết liệt cuối cùng để bảo toàn danh dự,
có nỗi tuyệt vọng đắng cay, nhưng người đọc cũng thấy được lòng tự trọng, sự chỉ
đạo của lý trí, chứ không như hành động bột phát trong cơn nóng giận như truyện
cổ tích miêu tả “Nàng chạy một mạch ra sông, đâm đầu xuống nước tự vẫn”.
- Phẩm chất cao
đẹp của Vũ Nương thể hiện qua lời thề nguyền cũng là phẩm chất tốt đẹp của người
phụ nữ lao động xưa: Dù cuộc sống của họ có khổ đau bất hạnh, song họ vẫn luôn
giữ tròn phẩm chất thủy chung, sắt son, nghĩa tình của mình.
Câu 3: Các chi tiết kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương:
- Phan Lang nằm
mộng rồi thả rùa.
- Phan Lang gặp
nạn, lạc vào động rùa, gặp Linh Phi, được cứu giúp.
- Gặp lại Vũ
Nương, người được coi là đã chết rồi.
- Được sứ giả của
Linh Phi rẽ đường nước đưa về dương thế.
- Vũ Nương hiện
về trong lễ giải oan trên bến Hoàng Giang giữa lung linh, huyền ảo rồi lại biến
đi mất.