-->

Tìm hiểu bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

 

Trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, Thanh Hải nguyện làm một con chim, một cành hoa và một nốt nhạc trầm để kết thành:

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bác

Câu 1: Nhan đề “Mùa xuân nho nhỏ” được cấu tạo bởi những từ loại nào? Việc kết hợp các từ loại ấy có tác dụng gì?

Câu 2: Nốt nhạc trầm trong bài thơ có nét riêng gì? Điều đó góp phần thể hiện ước nguyện nào của tác giả?

Câu 3: Dựa vào khổ thơ trên, hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu theo cách lập luận Tổng hợp - Phân tích - Tổng hợp làm rõ tâm niệm của nhà thơ, trong đó có sử dụng câu bị động và phép thế (gạch dưới câu bị động và những từ ngữ dùng làm phép thế).

Gợi ý

Câu 1: Nhan đề “Mùa xuân nho nhỏ”:

Nhan đề “Mùa xuân nho nhỏ” được cấu tạo bởi từ loại: danh từ “mùa xuân” và tính từ “nho nhỏ”.

Việc kết hợp giữa các từ loại trên có tác dụng tạo nên nhan đề có cấu tạo là một cụm danh từ. Nhan đề này mới lạ, độc đáo, gây được sự hấp dẫn, chú ý của bạn đọc và thể hiện được tình yêu thiên nhiên, cuộc sống, khát vọng hòa nhập, cống hiến những phần đẹp đẽ nhất, tinh túy nhất của cuộc đời mình để góp phần làm nên mùa xuân chung cho đất nước.

Câu 2: Nốt nhạc trầm góp phần thể hiện ước nguyện của tác giả:

- Nốt nhạc trầm trong bài thơ có nét riêng là: Không véo von, cao vút mà trầm lắng, thiếu nó bản nhạc sẽ mất đi giai điệu sâu lắng.

- Nốt nhạc trầm biểu tượng cho sự cống hiến khiêm nhường nhỏ bé, khát vọng sống hòa nhập làm nên mùa xuân chung đất nước của nhà thơ Thanh Hải nói riêng và những con người lao động nói chung.

Câu 3: Viết đoạn văn làm rõ tâm niệm của nhà thơ:

- Nếu như ở khổ trước, tâm niệm của nhà thơ được thể hiện một cách chân thành, khiêm nhường, nhỏ bé qua điệp ngữ “ta làm” và qua những hình ảnh thiên nhiên đẹp tự nhiên, giản dị: “con chim hót”, “một cành hoa...” thì khổ thơ tiếp theo, nhà thơ tự nhận mình là “Một mùa xuân nho nhỏ”.

+ Từ láy “nho nhỏ” làm định ngữ cho danh từ “mùa xuân” đã diễn tả mùa xuân là mùa đẹp nhất, mùa của sức sống, sức phát triển của vạn vật và con người.

+ Đây còn là hình ảnh ẩn dụ thể hiện sự hòa nhập, dâng hiến những gì đẹp đẽ nhất, tinh túy nhất của con người, góp phần làm nên mùa xuân chung cho đất nước.

+ Qua cụm từ “Một mùa xuân nho nhỏ”, bạn đọc thấy được mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, thấy được cái hữu hạn của con người và cái vô hạn của đất trời: Một con người - Một mùa xuân nho nhỏ, chưa thể tạo thành mùa xuân chung cho đất nước nhưng có nhiều “Mùa xuân nho nhỏ” góp lại sẽ tạo nên được mùa: xuân cho đất nước, dân tộc.

- Sự cống hiến này giống như “nốt nhạc trầm” nhỏ bé, khiêm nhường “Lặng lẽ dâng cho đời”, không khoa trương, ầm ĩ.

- Điệp ngữ “Dù là” với sắc thái ý nghĩa khẳng định như một lời hứa của nhà thơ với đất nước, với chính lòng mình sẽ cống hiến bền bỉ suốt cả cuộc đời, bất chấp thời gian, tuổi tác:

“Dù là tuổi đôi mươi

Dù là khi tóc bạc”

- Nhà thơ đang nằm trên giường bệnh và chỉ hơn một tháng sau đã qua đời mà vẫn dâng hiến cho đời bài thơ “Một mùa xuân nho nhỏ”. Nhà thơ đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng bài thơ bất tử với thời gian, được phổ nhạc thành bài hát vẫn được cất lên mỗi độ xuân về làm xao xuyến biết bao lòng người.

- Bạn đọc thấy được lý tưởng sống cao đẹp, khao khát cống hiến hết sức mình cho đất nước, dân tộc của nhà thơ.

NHẬN XÉT ()