-->

Trả lời câu hỏi về bài thơ Bếp lửa

 

“Bếp lửa” là lời tâm tình được dệt bằng biết bao kỉ niệm tuổi thơ. Dưới đây là một đoạn trong bài thơ:

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng ...

(Bếp lửa - Bằng Việt)

Câu 1: Ở hai câu thơ cuối tác giả dùng từ “ngọn lửa” mà không nhắc lại từ “bếp lửa”, hình ảnh “ngọn lửa” ở đây có ý nghĩa gì? Theo em, vì sao trong cảm nhận của người cháu, bếp lửa của bà lại “kì lạ và thiêng liêng”?

Câu 2: Hãy chỉ ra tác dụng của dấu ba chấm ở cuối khổ thơ.

Câu 3: Cũng trong một bài thơ ở chương trình Ngữ Văn 9 - tập 1, Nguyễn Duy đã có sự thay đổi hình ảnh “vầng trăng”“ánh trăng”. Hãy chép lại chính xác khổ thơ và chỉ ra ý nghĩa của sự thay đổi đó.

Câu 4: “Bếp lửa” “Ánh trăng” có sự gặp gỡ trong tư tưởng chủ đề, tìm một câu tục ngữ phù hợp với chủ đề đó.

Gợi ý

Câu 1: Ý nghĩa hình ảnh ngọn lửa và bếp lửa thiêng liêng kì lạ:

* Ý nghĩa của hình ảnh ngọn lửa:

- Nếu bếp lửa là hình ảnh cụ thể thì ngọn lửa đã được nâng lên thành một hình ảnh mang tính biểu tượng, có ý nghĩa khái quát rộng lớn, sâu xa: Ngọn lửa của của niềm tin hi vọng, của sức sống bền bỉ, của tình yêu thương, đức hi sinh của bà...

- Ngọn lửa làm lung linh hình ảnh của bà ® Bà là người nhóm lửa - giữ lửa - truyền lửa. Ngọn lửa thiêng của sự sống, lòng yêu thương, niềm tin cho các thế hệ nối tiếp.

* Bếp lửa kì lạ và thiêng liêng:

- Kì lạ: Bếp lửa bà nhen lên không chỉ bằng nhiên liệu bên ngoài mà còn được nhóm lên từ ngọn lửa trong lòng bà - ngọn lửa của lòng yêu thương, đức hi sinh, niềm tin... bà dành cho con cháu.

- Thiêng liêng:

+ Bếp lửa luôn gắn liền với bà - người bà tần tảo sớm hôm, người nhóm lửa, giữ lửa còn là người truyền lửa (niềm vui, sự sống, niềm tin ...) cho thế hệ mai sau.

+ Bếp lửa gắn với những kỉ niệm của thuở ấu thơ.

+ Bếp lửa bồi đắp, thắp sáng tâm hồn cháu: ý chí, nghị lực, niềm tin, tình yêu thương... Bếp lửa ấm áp nghĩa tình, bếp lửa trở thành một mảnh tâm hồn, một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cháu.

Câu 2: Tác dụng của dấu ba chấm ở cuối khổ thơ:

- Diễn tả còn nhiều ngọn lửa khác được nhen lên bếp lửa của bà.

- Ngọn lửa chứa niềm tin ấy kéo dài mãi mãi...

Câu 3: Chép thơ và chỉ rõ ý nghĩa sự thay đổi:

* Chép chính xác khổ cuối bài “Ánh trăng”:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.”

* Ý nghĩa của sự thay đổi

- Trong các khổ thơ trước: Tác giả dùng hình ảnh vầng trăng (nhân hóa trở thành người bạn đồng hành của nhân vật trữ tình trong nhiều hoàn cảnh sống...) để gợi sự tròn đầy, sáng trong của trăng, vừa gợi ý nghĩa biểu tượng nói về vẻ đẹp không thể mờ phai của quá khứ, sự thủy chung, tình nghĩa của thiên nhiên, của người bạn...

- Khổ cuối dùng hình ảnh ánh trăng:

+ Phù hợp với bố cục và mạch cảm xúc của bài thơ (ánh mắt nhìn nghiêm khắc mà bao dung của một người bạn, một nhân chứng trong cuộc gặp gỡ không lời)

+ Ánh trăng là hình ảnh ẩn dụ, gợi nhiều liên tưởng: ánh sáng của hào quang quá khứ, ánh sáng của lương tâm, đạo đức, ánh sáng rọi soi, thức tỉnh, xua đi những góc tối trong tâm hồn...nhắc nhở con người biết “giật mình” thức tỉnh...

Câu 4: Câu tục ngữ phù hợp với chủ đề bài thơ như:

“Uống nước nhớ nguồn”

NHẬN XÉT ()